Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Số phận hẩm hiu của ông chủ dự án Hà Nội Time Tower

Từng mang họ "Dầu khí", nhưng số phận của Công ty CP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) cùng các dự án bất động sản lại long đong, hẩm hiu.

Dự án long đong tìm nguồn vốn

Một trong những dự án từng gây chú ý trên thị trường bất động của PVR là Dự án CT15 Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội).

Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư NNP và Công ty Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam PVR làm chủ đầu tư, trong đó PVR nắm 30% vốn.

CT15 Việt Hưng trước đây được nhiều người biết đến với tên gọi dự án Opulent Paradise. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này lên tới 1.054 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 29.405 m2. Trong đó, khu Tổ hợp nhà ở và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng được bố trí 4 khối nhà, trong đó có một khối 19 tầng, hai khối nhà 16 tầng, một khối nhà 9 tầng và một khối nhà 5 tầng. Dự án dự kiến thực hiện từ quý I/2011 đến quý IV/2013.


Số phận long đong của ông chủ dự án Hà Nội Time Tower 

Hồi năm 2011, khi dự án này mới chính thức khởi công đã gây xôn xao trên thị trường, không chỉ bởi số vốn đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, mà CT15 Việt Hưng còn được hứa hẹn sẽ trở thành một dự án nổi bật trong khu đô thị mới Việt Hưng với các dịch vụ tiện ích đi kèm mang lại cho cư dân nơi đây một cuộc sống bình yên và tiện lợi.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến cuối năm 2013 (thời gian dự kiến sẽ hoàn thành của dự án), dự án vẫn nằm bất động và vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án bất động, trong khi thị trường bất động sản cũng rơi vào tình trạng đóng băng, chủ đầu tư dự án này đã buộc phải lên kế hoạch thoái vốn tại dự án. Tuy nhiên, dự án đẹp nhưng việc tỉm được "chủ mới" lại không hề dễ dàng.

Hồi đầu năm 2013, ban lãnh đạo PVR đã duyệt chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tổ hợp căn hộ CT15 Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Lý do chuyển nhượng được lãnh đạo công ty giải thích là do diễn biến bất lợi của thị trường,cũng giống như phần lớn các công ty bất động sản khác, PVR đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn, huy động các nguồn vốn để thực hiện Dự án.

Không lâu sau đó, PVR thông qua việc AHC xin hợp tác đầu tư với PVR hoặc các hình thức khác để bán, chuyển nhượng Dự án tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) để đổi lại được hưởng phân chia lợi nhuận từ dự án.

Những tưởng việc hợp tác này sẽ giúp dự án có nguồn vốn và tiếp tục được triển khai theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, vào đầu giữa tháng 6/2014, cái tên AHC không còn được nhắc đến tại dự án này nữa.

Thay vào đó, chủ đầu tư PVR lại ký thỏa thuận vay vốn lớn lên đến 326 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương – Chi nhánh Đông Đô. Số vốn này Công ty đã quyết định triển khai Dự án Việt Hưng, dự án sau nhiều lần thoái vốn bất thành.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 4 tháng sau, một lần nữa, Công ty lại thông báo thoái vốn tại dự án này.

Mới đây nhất, cuối năm 2014, cụm chung cư cao 18 tầng 3 block 18T1, 18T2, 18T3 thuộc dự án CT15 Khu đô thị Việt Hưng đã được chuyển nhượng lại cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh với giá trị chuyển nhượng dự kiến khoảng 130 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thương vụ ồn ào này dường như cũng không đem lại được sự đổi thay nào cho dự án này. Mới đây, tại đại hội cổ đông PVR, lãnh đạo PVR đã xác nhận "không chuyển nhượng được phần vốn tại dự án Việt Hưng để có doanh thu, lợi nhuận dù đã đạt được các thỏa thuận với đối tác". 

Một dự án khác của công ty này cũng từng khiến thị trường chú ý là Dự án Hà Nội Times Tower (còn gọi là CT10-11 Văn Phú, khu đô thị Văn Phú, Hà Đông). Sau nhiều lần được các đối tác rót vốn khác nhau, đến nay dự án vẫn được thực hiện ì ạch.

Khởi công xây dựng từ quý IV/2010, thế nhưng đến hết quý I/2013, Dự án Hà Nội Times Tower vẫn chưa thi công xong phần móng. Việc thi công quá chậm khiến cho dự án này luôn luôn phải đối mặt với làn sóng đòi rút vốn của khách hàng. Cho đến cuối năm 2012, khi Tập đoàn Đại Dương (OGC) mua 10 triệu cổ phiếu của PVR (tương đương 19,27% vốn điều lệ) và trở thành cổ đông lớn của PVR, dự án này đã xuất hiện những tín hiệu khả quan hơn.

Sau khi được đại gia “chống lưng”, Hà Nội Time Tower có tiến độ triển khai khá nhanh. Dự án đã hoàn thành phần hầm và phần đế của công trình chỉ sau một thời gian ngắn thi công. Chủ đầu tư cũng đã quyết định giảm giá bán cho các khách hàng và tuyên bố, dự án Hà Nội Time Tower sẽ hoàn thiện và bàn giao nhà ngay trong năm 2014.

Khi niềm tin của khách hàng đối với dự án đã phần nào được củng cố thì một lần nữa, dự án đột ngột dừng triển khai. Lần lượt các cổ đông lớn, trong đó có OGC quyết định thoái hết vốn khỏi PVR. Cụ thể, CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương đã bán xong toàn bộ 12.494.200 cổ phiếu PVR, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 24,07% vốn, trong khi OGC đã bán được gần một nửa số cổ phiếu PVR nắm giữ.

Sau 3 lần đăng ký bán, OGC vẫn còn sở hữu 5,124 triệu cổ phiếu PVR, chiếm tỷ lệ 9,91% vốn PVR. Tuy nhiên, tập đoàn này quyết thoái vốn khỏi PVR khi tiếp tục đăng ký bán toàn bộ lượng cổ phiếu PVR đang nắm giữ này từ ngày 7/5 đến ngày 4/6/2014. Và kết quả là, sau khi được xây dựng đến tầng 5, dự án đã nằm “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay.

Đến tháng 7/2014, sau khi được tài trợ gói tín dụng 326 tỷ đồng, Dự án Hà Nội Times Tower đã hứa sẽ tái khởi động trở lại. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch vay vốn vẫn không thực hiện được. Vì vậy, dự án tiếp tục bị "đắp chiếu".

Kinh doanh bết bát

Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) là một trong những Công ty thành viên của Tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

PVR là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp thể hiện bởi sự thành công qua các dự án: Hanoi Times Towers, Khu đô thị sinh thái – văn hóa Hạ Long, Khu du lịch Quốc tế cao cấp Tản Viên… 

Theo báo cáo tài chính mới công bố của PVR, tổng doanh thu năm 2014 chỉ đạt 4,88 tỷ đồng, chỉ bằng 5,67% kế hoạch đề ra (mục tiêu là 86 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn… 660 triệu đồng, chỉ bằng một nửa kế hoạch (1,1 tỷ đồng). May mắn là PVR đã thoát án bị hủy niêm yết cổ phiếu sau khi bị lỗ liên tiếp 2 năm 2012-2013 tổng số tới 24 tỷ đồng.

Năm 2014, công ty đã tiếp tục giải ngân thêm vốn vào các dự án, cụ thể: 8,9 tỷ đồng cho dự án CT10-11 Văn Phú (lũy kế tiền giải ngân là 618,4 tỷ đồng), 2,41 tỷ đồng cho CT15 Việt Hưng (lũy kế 65,5 tỷ đồng), giải ngân 15,53 tỷ đồng cho dự án Tản Viên… Có thể thấy, tiến độ giải ngân vốn, triển khai các dự án này trong năm qua ở mức rất thấp.

Kết quả kinh doanh thấp được ban lãnh đạo công ty lý giải là do tình hình kinh tế khó khăn và thị trường bất động sản chưa hồi phục. Đây là tình cảnh chung của rất nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản.

Do đó, HĐQT đã trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch năm 2015 với các chỉ tiêu khá khiêm tốn: doanh thu 60 tỷ đồng (gồm 38 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản, 20 tỷ đồng từ hoạt động xây lắp, 2 tỷ đồng từ hoạt động tài chính), lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ ở mức 1 tỷ đồng.

Với mức lợi nhuận này, các cổ đông của PVR sẽ đứng trước nguy cơ tiếp tục năm thứ 6 không được chia cổ tức.

HĐQT của PVR cũng dự kiến tới năm 2018, sau khi công ty tái cơ cấu, ổn định hoạt động và có lãi cao hơn thì lúc đó mới chia cổ tức khoảng 10%.


Châu Anh (VTC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét