>> Khu đô thị StarLight City
Hồi sinh dự án "chết"
Ngày 23.2, Tập đoàn Novaland công bố mua lại 3 dự án căn hộ thương mại gồm Lexington Residence (Q.2), Icon 56 và dự án Galaxy 9 (Q.4). Số tiền mua lại các dự án trên Novaland không công bố, nhưng tổng mức đầu tư của 3 dự án khoảng 3.000 tỉ đồng. Trước khi chuyển nhượng cho Novaland, 3 dự án đều trong tình trạng ngưng trệ kéo dài vì thị trường khó khăn. Sau khi mua lại, Novaland đã khởi động lại dự án, mở bán với mức giá rẻ hơn từ 20 - 40% so với giá các dự án cùng khu vực. Như dự án Lexington Residence giá bán khoảng 22 triệu đồng/m2, trong khi nhiều dự án kế bên có giá 30 - 40 triệu đồng/m2. Hay dự án Icon 56 giá từ 38 triệu đồng/m2 trong khi nhiều dự án cách đó không xa rao bán cả trăm triệu đồng/m2...
Mua lại, hồi sinh và quan trọng hơn là "thiết kế" một chiến lược giá hấp dẫn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp (DN) có nguồn tài chính mạnh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Liêm, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Niên, cho biết đã mua 85% cổ phần của Công ty Seaprodex Sài Gòn để khai thác các khu đất có vị trí tốt mà công ty này đang sở hữu, trong đó có khu cao ốc trên đường Hàm Nghi (Q.1)... Công ty Kiến Á tung tiền mua lại dự án Phú Hoàng Anh (giai đoạn 2) ở H.Nhà Bè của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và đã thay tên dự án thành The Park Residence. Một công ty khác cũng mua một phần dự án Thanh Bình (Q.7) của Hoàng Anh Gia Lai, hiện đã xây lên đến tầng 25...
Không chỉ DN trong nước, từ năm ngoái, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đổ một lượng vốn lớn vào thị trường bất động sản (BĐS) VN. Số liệu của Bộ KH-ĐT cho thấy, trong năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào BĐS khoảng 1 tỉ USD. Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2014, nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vào kênh này gần 200 triệu USD. Mới đây nhất, hàng loạt các tên tuổi lớn cũng công bố các khoản đầu tư "khủng" vào BĐS trong thời gian tới. Đó là Tập đoàn Rose Rock (Mỹ), cam kết đầu tư vào vịnh Vũng Rô tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng khoảng 2,5 tỉ USD. Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) cũng lên kế hoạch triển khai xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư khoảng 950 triệu USD. Cũng tại Quảng Ninh, Tập đoàn Amata (Thái Lan) sẽ đầu tư khu đô thị công nghệ cao khoảng 2 tỉ USD...
Ghi nhận tại các sàn giao dịch BĐS những ngày gần đây cho thấy số lượng giao dịch đang bắt đầu tăng. Trong hai tháng đầu năm, hệ thống sàn BĐS của Novaland đã bán được gần 400 sản phẩm. Chỉ riêng sự kiện ngày 23.2, tập đoàn này cũng bán gần 100 căn. Tại sàn Hoàng Anh Sài Gòn mỗi ngày bán được 1 căn hộ. Số lượng khách hàng đến tìm hiểu thông tin dự án cũng rất đông....
Ấm lại nhưng khó ảo
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, nhiều tin tốt từ Chính phủ như nới điều kiện mua nhà cho Việt kiều, người nước ngoài; bơm vốn cho nền kinh tế; nới room chứng khoán, lãi suất giảm... bước đầu đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư. Thị trường đã có những chuyển biến tích cực khi các ngân hàng tài trợ vốn cho DN mua lại dự án đóng băng, cơ cấu lại sản phẩm để tung ra thị trường.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích thời gian gần đây vàng, chứng khoán liên tục tăng giá, nhất là các mã chứng khoán thuộc ngành BĐS. Điều này chứng tỏ nguồn tiền đang được bơm mạnh ra ngoài thị trường. Trong khi chứng khoán, vàng là các kênh hấp thu nhanh nên sớm tăng giá thì BĐS với những đặc tính riêng “khởi động” sẽ chậm hơn. Đáng chú ý, lãi suất ngân hàng thấp, đặc biệt gói 30.000 tỉ đồng đang tiếp tục mở cửa sẽ kích thích thị trường BĐS ấm lên, người ít tiền sẽ có cơ hội mua nhà hơn. "Thị trường BĐS có cơ hội ấm lên nhưng không thể sốt ảo như trước đây", ông Châu nói.
Khá lạc quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét với sự tiến triển tích cực ở những tháng cuối năm 2013 thì năm 2014 thị trường BĐS sẽ bắt đầu hồi phục. Nhưng điều quan trọng là thị trường sẽ không còn các đợt “nóng lạnh” bất thường. Như vậy, sẽ lôi kéo được sự quan tâm trở lại của người mua có nhu cầu thật, ổn định về mặt giá cả, tăng dần về số lượng giao dịch.
Ông Nam cũng cho biết cùng với các chính sách hỗ trợ thị trường mới ban hành, Bộ đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 02. Phối hợp các địa phương đẩy mạnh rà soát các dự án đang triển khai để phân loại cho phép tiếp tục triển khai, điều chỉnh, chuyển đổi phù hợp hoặc tạm dừng, đình chỉ, thậm chí thu hồi các dự án không đủ điều kiện, không phù hợp quy hoạch hay chủ đầu tư dự án không đủ năng lực.
Giá tiếp tục xu hướng giảm Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, hiện lượng tồn kho đã giảm khá mạnh. Tại TP.HCM, lượng tồn kho giảm 45% và xu hướng giảm giá vẫn còn tiếp tục, tạo điều kiện để nhiều người dân tiếp cận nhà ở. Hiện thị trường vẫn còn nhiều khiếm khuyết, phát triển thiếu định hướng, cung cầu lệch pha... Chính vì vậy, cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, hướng thị trường BĐS vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Lê Bá Chí Nhân nhận định thị trường BĐS hiện nay có nhiều tín hiệu cho thấy trong năm 2014 sẽ là một bức tranh sáng màu khi có nhiều tác động tích cực trong việc giải cứu BĐS không chỉ từ nhà nước mà đến từ nguồn lực của toàn xã hội. “Do đó, đối với các dự án đất nền, DN cần tập trung vào sản phẩm thấp và trung cấp. Đây là nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Căn hộ thì phải xem xét lại giá thành, diện tích, thời gian thanh toán phù hợp theo nhu cầu khách hàng. Chúng ta thôi than vãn, hãy làm đi. DN tốt là những DN biết thích nghi và vượt qua những khó khăn thách thức, tìm được cơ hội làm ăn tốt trong khó khăn”, ông Nhân nói. |
Theo Đình Sơn
Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét