Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tái phân lô bán nền: Niềm hy vọng hay mối lo ngại mới?

Ngay khi thông tin về việc một số dự án sẽ được tái phân lô bán nền, trên thị trường bất động sản (BĐS) đã dấy lên những dư luận trái chiều. Nếu như các doanh nghiệp BĐS cho rằng đây là giải pháp hợp lý giúp “giải cứu” thị trường, thì những nhà quy hoạch và quản lý lại tỏ ra không ít băn khoăn.

Gỡ khó…
Tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định 11/NĐ-CP quy định về đất dành cho đầu tư phát triển đô thị nêu rõ: “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân được tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”

Đất đã phân lô bán nền, về sau chủ sử dụng có trì hoãn xây dựng thì cơ quan chức năng cũng rất khó khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa

Ông  Nguyễn Văn Lịch – Giám đốc một công ty BĐS ở Hà Nội, nơi được đánh giá rằng thị trường BĐS sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi quy định này cho rằng, việc cho phép phân lô bán nền trở lại khi dự án đã hoàn tất hạ tầng sẽ phần nào tháo gỡ được vướng mắc cho thị trường đất nền.

“Trước đây, việc cấm phân lô, bán nền có dụng ý hạn chế đầu cơ mua đi, bán lại khiến dự án hoang hóa. Song quy định phải xây nhà mới được bán nền từng khiến cho chi phí của chủ đầu tư bị đẩy lên cao, giá thành một sản phẩm cũng đắt đỏ, kén khách và khó bán hơn – ông Lịch nói – Nếu quy định này được áp dụng, khách hàng sẽ chủ động hơn khi sử dụng tiền của mình và chủ đầu tư cũng nhẹ gánh hơn khi bán hàng”. 
Nhưng, với kinh nghiệm của một người từng làm quản lý nhiều năm trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc sư Hoàng Thịnh cho rằng, ông không chắc về hiệu quả gỡ khó của quy định này, bởi chưa nói đến hệ quả lâu dài, nhưng ngay trước mắt, có thể nói quy định này khiến cho trên thị trường BĐS sẽ có “kẻ cười, người khóc”. 
“Trước đây, pháp luật cấm phân lô bán nền, và hiện tại các chủ đầu tư còn một lượng không nhỏ nhà lô được xây thô không có khách mua, để tồn tại  những khu biệt thự hoang trong lòng thành phố, vừa lãng phí tài sản xã hội vừa gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Giờ đây, khi pháp luật cho phép phân lô, bán nền, có thể mở lối cho các dự án mới, nhưng lại tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hai nhóm dự án này – ông  Thịnh nói – Được phân lô bán nền, có thể cứu được những dự án treo, nhưng những dự án mà đã thực hiện pháp luật nghiêm túc thì sao?”.
…hay mua đất để đó?
Dưới góc độ của một chuyên gia giàu kinh nghiệm về quy hoạch, kiến trúc sư Hoàng Thịnh cho rằng,  việc phân lô  bán nền, nếu quản lý thiếu chặt chẽ, thiếu trách  nhiệm, sẽ để lại hậu quả xấu cho việc phát triển đô thị. “Sẽ không bao giờ có đô thị đẹp nếu quy hoạch kiến trúc không được quản lý tốt – ông Thịnh nói – Việc phân lô, bán nền, nếu được áp dụng, phải gắn với những ràng buộc về việc xây nhà, không để phá nát quy hoạch, làm các khu dân cư mới thành những quần thể kiến trúc dị dạng hay hình thành những khu đô thị xôi đỗ, nơi nhà có tiền xây trước, nhà chưa có nhu cầu thì cứ để đất ở đó”. 
Quanh việc thực hiện quy định này, ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho hay, việc cho phép các dự án được quyền phân lô, bán nền sẽ phải xem xét cụ thể từng dự án. Dự án đó phải phù hợp với quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải thực hiện việc xây dựng hạ tầng, còn phần trên đất có thể để người dân tự xây dựng theo hướng dẫn của chủ đầu tư và căn cứ vào mẫu thiết kế quy hoạch đã được phê duyệt.  
Ông Chiến tin tưởng rằng, câu chuyện về dự án hoang sẽ không xảy ra nếu những khu vực nằm trong vùng phát triển đô thị sẽ phải thực hiện theo quy hoạch. Vì vậy, Nghị định 11/2013/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn để tránh đầu tư dàn trải theo phong trào, thiếu quy hoạch và kế hoạch. 
Ông Chiến cho biết, những khu vực nằm trong nội thành, nội thị đã có quy hoạch và thiết kế đô thị được duyệt thì phải thực hiện theo quy định. Đối với các đô thị mà nằm ở bên ngoài sẽ phải xem xét, khu vực nào không cần kiểm soát kỹ về mặt kiến trúc thì có thể cho phép người dân sẽ được tự xây dựng. Trong khi đó, từ kinh nghiệm của mình, kiến trúc sư Hoàng Thịnh chắc chắn rằng, đất đã phân lô, bán nền, về sau chủ sử dụng có trì hoãn xây dựng thì cơ quan chức năng cũng rất khó khắc phục hậu quả…


Bách Nguyễn (Pháp luật Việt Nam)


Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Đất Bình Dương giá rẻ | Mua Ban Nha Dat

Giảm lãi suất gói 30.000 tỷ và quy trình chính sách

Không thể có một chính sách hoàn thiện ngay khi ban hành, làm vừa lòng mọi đối tượng tác động khi được triển khai ra cuộc sống. Đối với các quyết sách mang tính chất tình thế như gói 30.000 tỷ hỗ trợ thị trường bất động sản, điều này lại càng đúng.



Khi thị trường đóng băng thanh khoản, niềm tin của cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đang vùn vụt “về dưới mệnh giá”, thì không thể cứ mãi tính toán, bàn bạc, nghiên cứu rồi lăn tăn rằng nó chưa hoàn thiện nên chưa thể triển khai…

Dù còn vấn đề này, vấn đề khác, nhưng hầu hết ý kiến thành viên thị trường đều đồng ý rằng, cần thiết phải có một gói tín dụng với chi phí phải chăng để hỗ trợ người dân có nhu cầu thực tìm nhà ở, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thiện nốt các công trình dở dang.

Ý kiến có khác nhau chăng, đó chính là trong quá trình thực thi.

Các chuyên gia cho rằng, gói này trên thực tế lại kích cung với hàng loạt dự án mở ra để đón dòng vốn rẻ, trong khi thị trường chỉ cần kích cầu, còn cung đã ứ. Và kể cả kích cung cũng chưa ổn khi nhìn vào con số chỉ 1,6% số vốn được giải ngân sau hơn nửa năm triển khai và hàng dài DN bất động sản xếp hàng chờ vốn rẻ.

Với các nhà quản lý ngành ngân hàng và xây dựng, dẫu chưa đến mức đổ lỗi cho nhau, nhưng dường như hiệu lực phối hợp triển khai chính sách vẫn bị cản trở bởi “những dấu chấm” ngắt dòng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng từng khẳng định không muốn triển khai gói cứu trợ quá nhanh, bởi dễ dẫn tới nhầm đối tượng và “chưa tìm ra đủ nhà ở xã hội để cho vay”. Nhưng nếu nhìn vào số lượng lớn DN bất động sản được bộ này đề xuất cho vay và số lượng đếm trên đầu ngón tay danh sách được ngân hàng chấp thuận thì chắc không thể không sốt ruột. Cụ thể, tính đến ngày 15/11 vừa rồi, mới có 1.036 khách hàng cá nhân được vay với dư nợ 247,5 tỷ đồng. Khách hàng DN còn hẻo hơn, với vỏn vẹn 5 đơn vị được vay tổng cộng… 153,2 tỷ đồng!

Còn các ngân hàng, gói 30.000 tỷ, 3 tỷ hay 300 triệu đồng thì họ vẫn phải giữ chắc hầu bao của mình, vì chính sách cho họ quyền và trách nhiệm thẩm định hồ sơ vay để bảo toàn vốn - khi nợ xấu bất động sản vẫn đang chất cao như núi.

Vậy là quả bóng lại được chuyền về các địa phương cùng các chủ đầu tư bất động sản khi một bên phải xác nhận nhân thân và tình trạng nhà cửa người mua nhà, một bên phải cam kết nhận trách nhiệm về khoản vay khi người mua nhà “có vấn đề”.

Nhưng các địa phương dường như cũng không muốn “nhận bóng”, có thể vì quá khó để ghi bàn hoặc cũng có thể do đường chuyền đã vặn sườn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã hơn một lần cho rằng, “các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt”.

Nhưng, như đã nói về quy trình chính sách. Điều tích cực là sau nửa năm “quăng quật” với thực tế, những điểm nghẽn của gói 30.000 tỷ đồng đã lộ rõ.

Có lẽ đó cũng là căn cứ để các bên lên tiếng. Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hà Nội đã đề xuất giảm thêm lãi suất cho vay gói tín dụng này xuống còn khoảng 4 - 5%/năm, thay vì mức 6%/năm như hiện nay. Đồng thời, thời hạn cho vay nên kéo dài từ mức 10 - 15 năm lên 15 - 20 năm cho đúng với tiêu chí hỗ trợ tầng lớp trung lưu trở xuống có nhà, DN làm nhà bình dân… bán được nhà.

Về phía các ngân hàng, trả lời phỏng vấn Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc MHB - một trong năm ngân hàng được chỉ định cho vay gói này, cho biết, nếu tháo gỡ được 2 vướng mắc về nguồn cung nhà ở xã hội và quy định pháp lý liên quan đến thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì dòng vốn này sẽ được khơi thông rõ rệt trong năm 2014.

Câu chuyện về tiến độ gói 30.000 tỷ đồng cũng đã được Chính phủ chốt lại khi yêu cầu Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương “gút lại” những khúc mắc khi triển khai để báo cáo Chính phủ phương án giải quyết. Thời hạn báo cáo được chốt lại trong tháng 3 tới đây...

Nghiên cứu thị trường, ban hành chính sách, triển khai chính sách ra thực tế và nhanh chóng sửa đổi khi phát hiện những bất hợp lý làm cản trở hiệu quả của chính sách. Đó là một quy trình hợp lý và khả thi với bất kỳ hoạt động điều hành nào, chứ không riêng gì gói 30.000 tỷ đồng.

Khi câu chuyện về những ách tắc không chỉ là của Bộ Xây dựng hay Ngân hàng Nhà nước, không chỉ với ngân hàng thương mại và các địa phương, mà cấp điều hành nền kinh tế cao nhất là Chính phủ đã “chốt” thời điểm tháo gỡ, thì các thành viên thị trường bất động sản lại có thêm lý do để hy vọng một sự “giải cứu thực chất” đến từ gói vốn này.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán




Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Bình Dương tự hào cùng năm tháng

Từ một tỉnh còn nghèo khi mới tái lập, đến nay Bình Dương đã vươn lên trở thành một địa phương phát triển mạnh về mọi mặt. Nhiều đoàn Trung ương, các tỉnh, thành bạn và những đoàn ngoại giao khi đến Bình Dương tham quan, làm việc luôn có những lời khen ngợi dành cho quê hương “miền Đông gian lao mà anh dũng” cả trong đánh giặc ngoại xâm và trong quá trình xây dựng, phát triển hiện nay.
 
Bình Dương hôm nay đã trở thành một trong những tỉnh, thành phát triển năng động bậc nhất của cả nước. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương - tuyến đường huyết mạch của tỉnh được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại

Viết nên kỳ tích
Từ truyền thống đồng thuận, đoàn kết mà Bình Dương đã viết nên những trang sử oai hùng gắn với chiến khu Thuận An Hòa, Tam giác sắt, chiến khu Đ, chiến khu Vĩnh Lợi oai hùng, ngoan cường. Bên trong mỗi cái tên lịch sử đó là sự chiến đấu, hy sinh oanh liệt của những thanh niên, chiến sĩ, đồng bào đã đổ biết bao xương máu và hàng ngàn anh hùng đã nằm xuống trên mảnh đất này. Còn thời kỳ đổi mới, Bình Dương đã đồng thuận, đoàn kết để vùng đất Sông Bé oai hùng, nay là Bình Dương thay đổi diện mạo như một phép màu. Những công trình lớn đã mọc lên, thu hút hàng ngàn lao động khắp nơi về Bình Dương làm ăn, sinh sống lâu dài như một minh chứng sống động của vùng đất giàu truyền thống anh hùng.

Nhìn lại 17 năm phát triển vươn lên, Bình Dương đã đổi thay như một “phép màu” kỳ diệu. Ngay từ những năm đầu tách tỉnh, Bình Dương đã chọn phát triển công nghiệp như một “cú hích” thử nghiệm và rồi cú hích này là đòn bẩy đưa Bình Dương phát triển năng động theo năm tháng. Những con số tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 12,8%, GDP bình quân đầu người 52,7 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,1%, tổng thu ngân sách đạt 29.600 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,4 tỷ đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 15,5% trong năm 2013 đã nói lên sự đổi thay của Bình Dương. Riêng về lĩnh vực thu hút đầu tư, tính đến nay, Bình Dương đã thu hút hơn 17.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư làm ăn, trong đó có 2.209 dự án với tổng vốn 18,720 tỷ đô la Mỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài, 15.050 doanh nghiệp trong nước với số vốn đăng ký 117.413 tỷ đồng.
 
Phát triển công nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm và đóng góp to lớn vào thành quả chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 17 năm qua. Trong ảnh: Sản xuất mì ăn liền tại Công ty TNHH Uni - President Việt Nam, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, TX.Dĩ An Ảnh: Q.CHIẾN


Sự đổi thay của Bình Dương trong 17 năm qua là nhờ vào chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư, trải thảm đỏ thu hút nhân tài” nhằm phục vụ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách cởi mở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã đưa ra các giải pháp hiệu quả, năng động nhằm thực hiện chính sách đổi mới của Bình Dương. Nếu như trong những năm gần đây, các thị xã Dĩ An, Thuận An, TP.Thủ Dầu Một đã phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị do các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa thì các huyện Bến Cát, Tân Uyên đang tiếp bước trở thành đô thị loại III. Riêng Dầu Tiếng, Phú Giáo và 2 huyện mới Bàu Bàng, Tân Thành cũng sẽ phát triển đồng đều trong tương lai, góp phần đưa Bình Dương ngày càng phát triển toàn diện.

Sự đổi thay như kỳ tích của Bình Dương còn nhìn thấy được từ những tuyến đường giao thông huyết mạch, những dự án đô thị sầm uất, những tòa nhà mọc lên ở vùng nông thôn. Nhiều lần đi với các đoàn về tham quan thành phố mới Bình Dương ai cũng phấn khởi cho sức bật mới của Bình Dương. Quả thật, sự phát triển kỳ diệu của Bình Dương được khơi nguồn từ lòng tự tin không hề ỷ lại trên mảnh đất anh hùng. Nhiều lần tiếp các đoàn trong nước và quốc tế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung luôn khẳng định, thành công của Bình Dương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ngày càng bền vững do vận dụng được sức mạnh tổng lực cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh.

Từ sự đồng thuận của nhân dân

Một trong những nguyên nhân giúp Bình Dương phát triển năng động, viết nên kỳ tích được cả nước và các nhà đầu tư khen ngợi là các thế hệ lãnh đạo của tỉnh luôn biết “ứng pháp” tạo đồng thuận trong nhân dân trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đổi mới, vận động nhân dân chấp thuận di dời để có đất xây dựng cơ sở hạ tầng thông thoáng, có một thành phố mới sầm uất, khang trang, những công trình trọng điểm trong phát triển công nghiệp, đô thị.

Trong lần về thăm và làm việc tại Bình Dương, Tổng Bíthư Nguyễn PhúTrọng đã khen ngợi Bình Dương đãtạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, trong nhân dân để thực hiện nhất quán chủtrương đổi mới, các chương trình chăm lo đời sống người dân, chăm lo nhàởvàcác chính sách an sinh xãhội. Cái hay làBình Dương biết vận dụng các nghị quyết, chỉ thị, tiêu chí… của Trung ương rất sáng tạo gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thịhóa của tỉnh đểđi trước, đón đầu, tính toán gắn với quá trình phát triển bền vững.

Thật vậy, nếu không có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của nhân dân thì Bình Dương sẽ không có những tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 13, ĐT745, ĐT743, quốc lộ 1K, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai… Có thể nói, qua 17 năm phát triển Bình Dương tự hào với những lớp thế hệ lãnh đạo biết vận dụng sáng tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, dám nghĩ, dám làm trong sách lược. Sự đồng tâm hiệp lực giữa ý Đảng lòng dân thời gian qua đã tạo sự đồng thuận, gắn kết như một sức mạnh liền mạch để tạo ra một Bình Dương có diện mạo đổi thay từng ngày.

Trong nhiều cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cuộc tiếp xúc ngoại giao, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Trung luôn thẳng thắn nhìn nhận sự đoàn kết, nhất trí của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh đãđồng tâm hiệp lực tập trung khai thác lợi thế, tiềm năng để đưa Bình Dương ngày càng phát triển năng động, sớm trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2020.

HỒ VĂN
BÁO BÌNH DƯƠNG

Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Năm 2014, nên “rót” tiền vào đâu?

Năm 2014 được dự báo là năm “dễ thở” hơn khi nền kinh tế đã qua giai đoạn xấu nhất, đang từ từ thoát đáy và đi lên. Một số kênh đầu tư có dấu hiệu phục hồi, cụ thể là tiền gửi tiết kiệm và chứng khoán được xem là kênh để “rót” tiền vào an toàn nhất.

Gửi tiết kiệm

So với các kênh đầu tư khác, tiền gửi tiết kiệm được xem là “sáng giá” hơn cả. Bởi thực tế trong hai năm vừa qua, những ai có tiền gửi bằng VND vào hệ thống ngân hàng đều có lãi và rất an toàn.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và nâng cao vị thế của đồng tiền Việt Nam trong các kênh đầu tư. Do đó, nếu người dân nào đã có tiền gửi VND, nên tiếp tục gửi. Người dân nào còn đang băn khoăn thì hãy nên gửi VND vào hệ thống ngân hàng. Vì đây thực sự là kênh đầu tư an toàn nhất và hấp dẫn nhất, đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền.

Còn theo GS.TS Đặng Hùng Võ, về lý thuyết đồng tiền sinh lãi lớn nhất là đồng tiền gửi vào ngân hàng. Bởi theo tâm lý nhiều người dân, đồng tiền đó để không, không phải làm gì mà vẫn được hưởng lãi. Trong khi các kênh đầu tư khác lãi nhiều hơn nhưng gặp phải rủi ro cao.
Mặc dù chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN vẫn tạo độ hấp dẫn hơn, nhưng TS. Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vẫn khá lo ngại. Bởi theo ông, kênh đầu tư này vẫn có rủi ro ở việc nỗ lực phục hồi thông qua tăng đầu tư công, nếu không được quản trị phối hợp chính sách tốt, vẫn sẽ là nhân tố tiềm tàng gây bất ổn. Điều đó làm giảm sự hấp dẫn của đồng tiền trong nước.

50% chứng khoán

So với tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán là ưu tiên lựa chọn số hai trong rổ đầu tư. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhà đầu tư nên chia 50% gửi tiết kiệm, 50% đầu tư vào chứng khoán. Vị chuyên gia này cho rằng, khi nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ tăng trước, đó là cơ hội để đầu tư chứng khoán, lãi suất cũng tăng, đó cũng là cơ hội để nhà đầu tư bảo toàn vốn.

Trả lời câu hỏi giải pháp đầu tư an toàn là gửi vào ngân hàng hay chọn kênh đầu tư, TS. Quách Mạnh Hào cho rằng, với người dân có tiền kiết kiệm, thì lựa chọn khả thi nhất với họ là gửi tiết kiệm sẽ tương đối an toàn. Tuy nhiên, sang năm 2014, khi mà các nỗ lực tăng trưởng kinh tế được thực thi và triển khai thì kênh chứng khoán có thể được hưởng lợi về mặt tâm lý, tài sản các thị trường này có cơ hội tăng giá do tâm lý mặc dù nền kinh tế không thực sự tốt lên.

“Do vậy nếu bạn thực sự là người muốn tìm kiếm các cơ hội sinh lời tốt hơn thì hai kênh này là phù hợp nhưng tôi ưa thích kênh chứng khoán hơn vì kênh này có mức thanh khoản cao hơn”, ông Hào cho hay.
Cũng theo ông Hào, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng vào kênh đầu tư này nhưng chọn đúng cổ phiếu mới là quan trọng. Theo đó, có thể là cổ phiếu của các công ty trong các ngành có hiệu ứng tích cực từ tâm lý kinh tế hồi phục như cổ phiếu ngành năng lượng, bất động sản, đối với đâu tư ngắn hạn và các cổ phiếu ngành tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống đối với đầu tư dài hạn theo nghĩa mục tiêu cổ tức tốt.

Bất động sản vẫn nhiều may rủi

Một số chuyên gia và chủ đầu tư cho rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong năm tới do vấn đề nợ xấu lớn và khả năng xử lý chưa hình thành, chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn rất thận trọng để duy trì kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, một số khác dự báo sẽ có sự khởi sắc dần trong năm 2014.

BĐS không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Ảnh S.Y
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, thị trường bất động sản hiện nay vẫn tiềm tàng nhiều rủi ro rất lớn mà chưa bộc lộ hết, đặc biệt ở phía Bắc. Nếu có sự suy giảm thêm nữa của thị trường, hệ thống tài chính sẽ gánh chịu hậu quả trực tiếp. Nếu may mắn, chúng ta không phải chứng kiến điều này, còn nếu không may, điều này xảy ra, tôi cảm thấy công cụ chính sách để khắc phục hầu như không còn. Vì thế, đây là lĩnh vực thực sự may rủi.

Còn theo GS.TS Đặng Hùng Võ, trong hoàn cảnh thị trường trầm lắng thì quyết định đầu tư vào bất động sản cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Phân khúc giá trung bình và giá cao chưa được chọn lựa do kho tồn đọng vẫn chưa được giải quyết, nhưng đầu tư vào khu vực giá rẻ là có thể xem xét vì thị trường đang có những chuyển động tích cực trong phân khúc này.

 “Nếu bạn muốn quay trở lại thị trường, thì phân khúc đầu tiên nên quan tâm là đất nền và biệt thự liền kề”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Dù quyết định chọn kênh đầu tư nào đi chăng nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, không nên dốc hết "trứng vào một rổ" mà chia nhỏ để đầu tư nhằm hạn chế rủi ro. Trong đó, những người quen tích góp, không quen với chứng khoán, chưa tin hoặc chưa đủ vốn để đầu tư vào bất động sản thì vẫn có thể tiếp tục chọn kênh vàng. Tuy nhiên, việc đầu tư vàng để tìm kiếm lợi nhuận cao như các năm trước hầu như không còn.
Bất động sản vẫn khá thận trọng, nhưng đây là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư thu xếp được vốn. Đặc biệt, với những bất động sản vị trí tốt rất đáng đầu tư trong giai đoạn hiện nay và có thể thu lợi tốt sau 2 - 3 năm khi kinh tế phục hồi.


Song Yến
CafeLand





Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Khách mua nhà “hoa mắt” vì khuyến mại

Thị trường BĐS Hà Nội cuối năm 2013 diễn ra sôi động với nhiều giao dịch thành công và hàng loạt chương trình khuyến mại có giá trị hàng tỷ đồng.

Chạy đua kéo khách

Nắm bắt được tâm lý của người dân muốn có một căn nhà an cư trong dịp Tết, hoặc một món đầu tư như của để dành khi có nguồn tài chính dịp cuối năm, các chủ đầu tư, sàn giao dịch tại Hà Nội đang cấp tập tung ra nhiều chiêu cạnh tranh hút khách.

Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 cho biết, đang đưa ra ưu đãi lớn cho khách hàng khi mua nhà trong chương trình mang tên “Mua nhà đón Tết, rước lộc mừng Xuân”.

Theo ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland thuộc G5, tổng giá trị quà tặng áp dụng trong chương trình này lên tới 9 tỷ đồng. Sản phẩm được chào bán trong chương trình khá đa dạng, từ dự án đang bàn giao nhà, đến sắp bàn giao và cả sản phẩm đang xây dựng.

Chẳng hạn như, khách hàng mua căn hộ Thăng long Number One sẽ được tặng quà trị giá 50 triệu đồng/sản phẩm. Ông Diễn cho biết, trong đợt mở bán vừa qua, chủ đầu tư dự án dự kiến chào bán 50 căn, nhưng G5 đã bán được tới 70 căn. “Với kết quả khả quan của lần bán hàng trước, chúng tôi hy vọng lần mở bán này cũng sẽ được khách hàng chào đón”, ông Diễn nói.



Căn hộ Rừng Cọ của Ecopark cũng được G5 mở bán trong dịp này với quà khuyến mại là các phiếu mua hàng điện máy giá trị hàng chục triệu đồng. Với giá từ 1,6 tỷ đồng/căn hộ, ông Diễn cho biết, đã có nhiều khách hàng liên hệ với những phản hồi khá tích cực.

Nhiều dự án khác cũng đang được G5 phân phối như Discovery Complex tại 302 Cầu Giấy với giá từ 27 triệu đồng/m2 (chưa VAT, có nội thất), kèm theo quà khuyến mại trị giá tới 2 cây vàng; tại Dự án HUD3 Tower, khách hàng được tặng quà đầu xuân với gói quà tặng hấp dẫn trị giá 50 triệu đồng và nhiều ưu đãi khác.

Cũng trong thời gian này, Hòa Bình Green City mở bán căn hộ với gói sản phẩm “không gian sáng tạo” hay còn gọi bàn giao cơ bản với mức giá từ 20,5 triệu đồng/m2 (chưa VAT), còn gói đầy đủ nội thất từ 26 - 29 triệu đồng/m2 (chưa VAT); CBRE Việt Nam công bố mở bán căn hộ Dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) với giá bán vào khoảng 25 - 27 triệu đồng/m2; chủ đầu tư dự án Tây Hồ Residence tại phường Xuân La, Tây Hồ mở bán chính thức tòa CT2B thuộc dự án này, giá bán từ 24,8 triệu đồng/m2 (chưa VAT); Sàn giao dịch Nhadat24h cũng vừa được chủ đầu tư ủy quyền bán các căn hộ Dự án CTM 139 Cầu Giấy, giá bán từ 26 - 28 triệu đồng/m2…

Ở phân khúc căn hộ giá rẻ, hiện Viglacera đang mở bán căn hộ dự án nhà ở thu nhập thấp Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội); chủ đầu tư Dự án chung cư CT12C Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa mở bán hơn 600 căn hộ chung cư với giá thành dao động từ 10 - 14 triệu đồng/m2; Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu cũng cho biết, sẽ bán căn hộ thuộc tòa CT8 tổ hợp chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với mức giá 10 triệu đồng/m2 bắt đầu từ ngày 15/2/2014…

Hấp dẫn về giá

Những động thái này cho thấy, thị trường Hà Nội bắt đầu chào bán nhộn nhịp trở lại nhằm đón dòng tiền cuối năm, vốn là thời điểm “vàng” giao dịch BĐS của năm, cộng với tín hiệu tích cực của thị trường, nhiều dự án đang đứng trước cơ hội xả hàng tốt.

Ông Vũ Kim Giang, Phó chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch BĐS R9+ cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây, lượng giao dịch tại các sàn tăng đáng kể, mỗi ngày có hàng chục hợp đồng được chốt, lượng giao dịch tập trung nhiều vào những dự án có tiến độ, chất lượng tốt, chủ đầu tư uy tín, tính pháp lý cao, giá thành và diện tích căn hộ hợp lý.

Hơn nữa, ngoài những lý do thường thấy như thời điểm cuối năm, lượng kiều hối đổ về mạnh mẽ kích thích các hoạt động đầu tư, hay nhu cầu ổn định cuộc sống dịp cuối năm…, thì theo ông Giang, năm nay có thêm một lý do nữa là hiện các dự án BĐS đã giảm giá tới một mức khá hấp dẫn cộng với người mua có nhiều sự lựa chọn tốt và các dự án đang cạnh tranh nhau về giá, khuyến mãi, tiến độ thanh toán, các điều kiện hợp đồng... “Các yếu tố này sẽ kích thích người mua trong bối cảnh thị trường được nhận định đang dần đi tới điểm đáy”, ông Giang nhấn mạnh.

Nhận định trên đã được chứng minh khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa khẳng định, giá BĐS tại Hà Nội và các địa phương khác đã giảm với mức bình quân 10 - 30%, thậm chí có dự án giảm tới 50%.

“Giá BĐS từ trước đến nay là ảo. Hiện các DN buộc phải giảm về giá trị thực nhằm tăng khả năng thanh khoản cũng như tiết giảm chi phí để giảm giá thành, đồng thời cấu trúc lại sản phẩm cho phù hợp với khả năng”, ông Dũng nói và cho biết, theo báo cáo của 17 DN và 5 sàn giao dịch BĐS, tính đến hết quý III/2013, Hà Nội có 4.062 giao dịch thành công; và dự báo quý IV/3013 có 2.000 giao dịch. Trong khi đó, quý I và II, số giao dịch thành công chỉ ở con số 500 - 700.

Theo DTCK




Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Hạ tầng đẹp, nhà đất tăng giá phải nộp phí?

Lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa đề xuất: Thu Thuế tài sản và Phí phát triển để có vốn đầu tư hạ tầng. Tính khả thi của đề xuất này tới đâu, đặc biệt trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng hiện nay?



Nhà xây dựng sau khi có đường mới sẽ phải nộp phí? (Ảnh đường Lê Văn Lương kéo dài). Ảnh: L.H.V.

Thêm thuế, phí để đầu tư hạ tầng

Trong một cuộc hội thảo của ngành xây dựng gần đây, TS. Phạm Sỹ Liêm-Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bất ngờ nêu đề xuất trên. Theo đó, có thể đầu năm tới, tổng hội sẽ ra văn bản chính thức gửi các cơ quan chức năng đề xuất thu Thuế tài sản và Phí phát triển.

Giải thích về đề xuất Thuế tài sản, TS. Liêm cho rằng, hiện nước ta chỉ có Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ tính với đất, còn thuế mới sẽ tính cả trên giá trị đất và nhà (tài sản).

Trước đây Bộ Tài chính từng đưa ra Luật Thuế nhà đất, nhưng sau đó Quốc hội không thông qua do người dân còn nhiều khó khăn, không đánh thuế nhà chỉ đánh thuế đất. “Thuế tài sản thu với cả đất và nhà, các nước đều thu. Nước ta có thể tham khảo”, ông Liêm nói. Mức thu có thể chưa cao, nhưng trước mắt cần phải thu và có lộ trình tăng dần.

Theo ông Liêm, thuế sẽ chỉ đánh với những nhà đất ở đô thị, ven các tuyến đường, vì có đường, cây xanh, chiếu sáng… được nhà nước đầu tư. Thêm nữa, nhà ở những vị trí có đường giao thông thuận lợi thường có giá trị cao hơn các khu vực khác. Giá trị đó do tuyến đường mang lại, cần thu thuế cao hơn những nơi khác.

“Tất cả những thứ công cộng đều không thu tiền, giờ phải thu mới có nguồn đầu tư, duy trì hoạt động để phục vụ lại người dân”, ông Liêm nói. Ông dẫn chứng, trong báo cáo nguồn thu ngân sách TP Hà Nội năm 2012, dự kiến thu từ bán quyền sử dụng đất chiếm hơn 20% tổng nguồn thu.

Tuy nhiên, sau đó không thực hiện được vì bất động sản đóng băng, bán không ai mua. Chính lý do này làm các địa phương năm qua thu ngân sách giảm mạnh. Ông cho rằng: “Không thể để nguồn thu ngân sách phụ thuộc vào một thứ kém ổn định và không bền vững như bán đất, cần có nguồn thu ổn định và thu thuế nhà đất là một giải pháp”.

Nguồn thu này sẽ được đưa vào ngân sách và dùng để đầu tư phát triển. Tác giả đề xuất cho rằng, nước ta còn nghèo càng cần phải thu mới có tiền để đầu tư phát triển. “Ở ta lâu nay quen bao cấp, người dân không muốn đóng góp. Không có quốc gia nào tự nhiên có tiền, tất cả đều do người dân đóng góp dưới nhiều dạng thuế, phí…”, ông Liêm khẳng định.

Với Phí phát triển, tác giả cho rằng, chỉ thu với những nhà phát triển lên sau khi có một công trình đầu tư từ ngân sách đi qua (như có đường mới). “Khi có đường mới, giá trị lô đất, căn nhà sẽ tăng lên. Nếu anh bán hoặc xây dựng công trình, phần giá chênh lệch so với trước đây (hoặc giá trị căn nhà xây mới) sẽ phải nộp phí. Nếu anh không bán, không xây dựng gì sẽ không phải nộp phí”, ông Liêm giải thích.

Ví dụ của TS Liêm dẫn ra cụ thể: Nhờ có đường, lô đất được bán cao hơn 5 triệu đồng so với giá cũ (khi chưa có đường), phần 5 triệu đó sẽ phải nộp phí với mức nhất định. Theo ông Liêm, hồi cuối những năm 80-90, UBND TP Hà Nội từng thu Phí hạ tầng, với mức 10% giá trị nhà xây mới, nhưng sau 1 - 2 năm phải bỏ không rõ lý do.

Phải hỏi ý kiến dân, chuyên gia

“Lại thêm thuế và phí à”, bà Nguyễn Thị Vân (53 tuổi, ở đường Khương Đình mới, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) thốt lên khi vừa nghe nói tới vấn đề trên. “Tôi đâu bắt họ làm đường qua nhà tôi, sao lại bắt tôi phải nộp phí”, bà Vân nói. Anh Phạm Văn Tuấn (36 tuổi, ở khu tập thể Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra thông cảm hơn: “Nếu thu cũng được, nhưng mức thu vừa phải theo thu nhập người dân. Quan trọng phải công bằng”.

“Phải tính toán cách thức, mức thuế nước ta như thế nào, khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch và đưa ra hỏi ý kiến người dân”.

Chuyên gia Kinh tế
Lê Đăng Doanh
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khi được hỏi, cho biết, nếu thu được như đề xuất sẽ rất tốt. “Tôi đã nhiều lần kiến nghị thu thuế cả nhà và đất, cùng một sắc thuế với giá trị tài sản tăng thêm do các công trình đầu tư từ ngân sách mang lại cho tài sản đó”, ông Võ nói. Hiện, thế giới và các nước trong khối Asean đều thu thuế nhà và đất, mức từ 1-1,5% theo giá thị trường. Việt Nam mới thu với đất, ở mức 0,03% theo giá nhà nước quy định. Tuy nhiên, ông Võ cũng thừa nhận thực tế, thu nhập của người Việt hiện còn thấp, chưa có phần chi cho nhà ở, nếu thu cần có lộ trình gắn với cải cách tiền lương.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đề xuất trên phù hợp với thông lệ quốc tế, các nước đều làm. “Tuy nhiên phải tính toán cách thức, mức thuế nước ta như thế nào, khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch và đưa ra hỏi ý kiến người dân”, ông Doanh nói. Ông dẫn chứng trường hợp của Thụy Sỹ, trước khi một sắc thuế được đưa ra, chính phủ sẽ lấy ý kiến người dân sẵn sàng nộp thuế ở mức bao nhiêu. Với Phí phát triển, theo chuyên gia này, cần thêm thời gian để nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia. “Vấn đề là mức bao nhiêu cho hợp lý, còn các nước đều thu cả”, ông Doanh nói.

Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, đây là những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, cần có nghiên cứu cụ thể. “Người đưa ra đề xuất cũng mới nhận định ban đầu, để có chính sách cần xem xét từ cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học”, vị này nói. Theo vị này, mong muốn thì rất nhiều, nhưng làm được không lại là vấn đề khác.


Theo Tiền Phong




Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Luật Đất đai những quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Một trong số những điểm mới của Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua là những quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).


Như VnMedia đã đưa tin, tại cuộc họp báo quý III của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đã giải thích nhiều nội dung mới của Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, Luật đã bổ sung quy định trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của nhiều người thì cấp mỗi người một Giấy chứng nhận hoặc cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, nhà ở hay tải sản gắn liền với đất.

Trường hợp là tài sản chung của vợ chồng thì Giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận ghi tên một người). Nếu Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận mới để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có nhu cầu.

Luật mới cũng quy định cụ thể hơn những trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận; cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có và không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Mặc dù Luật quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất, nhưng nếu người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận chung cho các thửa đất đó.

Theo Luật, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ học; đất nông nghiệp… không có tranh chấp, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Luật cũng quy định những trường hợp có thể cấp Giấy chứng nhận ngay cả khi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Theo đó, những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ mà Luật quy định, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệ, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ theo quy định nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2014 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đặc biệt, ông Hiển cho biết, Luật đã giao Chính phủ quy định các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15/10/1993 được xét cấp Giấy chứng nhận nhằm giải quyết những vướng mắc trên thực tiễn.

Những trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận

Theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau:

Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các Điều 100, 101 và 102 của Luật này; Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ; Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất; Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có; Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.




Theo Xuân Hưng
VnMedia




Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Nhìn lại thị trường bất động sản 2013: Đáy hay chưa đáy?

Đâu đó vẫn có những nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản nở nụ cười. Song nhìn chung, 2013 vẫn là một năm đầy khó khăn của thị trường.

VnEconomy nhìn lại 10 vấn đề, sự kiện lớn có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản năm nay với một kỳ vọng, mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong năm sắp tới.

1. Gói 30.000 tỷ

Cụ thể hoá Nghị quyết 02 của Chính phủ, gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra từ 1/6/2013, có giá trị trong 3 năm, với lãi suất được ấn định là 6%. Một sự hỗ trợ “không thể tốt hơn” là nhận định của không ít chuyên gia, giới đầu tư vào thời điểm thời điểm gói tín dụng chính thức có hiệu lực.

Cho dù, mặt bằng thu nhập và khả năng trả nợ khoản vay không nhỏ mới chính là yếu tố quyết định đến tốc độ giải ngân của gói tín dụng được cho là mang đầy tính “nhân văn” này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 12/2013, giá trị giải ngân gói 30.000 tỷ mới chỉ đạt 555 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 2% tổng giá trị. Sự thất vọng cũng đã ít nhiều thể hiện ra không chỉ với các đối tượng hưởng thụ mà ngay cả chính những người làm chính sách và các ngân hàng tham gia chương trình khi tốc độ giải ngân quá ì ạch.

2. Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)

Với đại đa số đại biểu tán thành, ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 14 chương, 212 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Là một trong những luật quan trọng, có ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nên phải qua 3 kỳ thảo luận, các đại biểu mới ấn nút thông qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những sửa đổi bổ sung về thu hồi, trưng dụng, quy hoạch sử dụng đất, khung giá đất…, Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục khẳng định quyền sở hữu đất đai toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, đồng thời tái khẳng định việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nhiều ý kiến lo ngại, với sự khẳng định về hình thức sở hữu và lý do thu hồi đất nói trên về cơ bản không thay đổi so với Luật Đất đai 2003, nhiều khả năng tình trạng tranh chấp, khiếu kiện cũng như sự thiếu công bằng, minh bạch trong lĩnh vực đất đai sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

3. Đề xuất đánh thuế tiết kiệm

Vào những ngày đầu của năm 2013, giới đầu tư lẫn người dân dành sự quan tâm khá đặc biệt với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Điều đáng nói là đề xuất này có ngọn nguồn từ một người được xem là "đại gia" bất động sản: ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM.

Ủng hộ cũng có, nhưng “ném đá” cũng nhiều, dư luận và báo giới sau đó cũng đã tốn không ít thời gian và giấy mực với đề xuất nói trên. Ông Lê Hoàng Châu lý giải, việc đánh thuế tiết kiệm nhằm hướng dòng tiền đi vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những ý kiến phản cho rằng, mục đích của đề xuất đó không nằm ngoài kỳ vọng giải cứu thị trường bất động sản.

4. Thay đổi có lợi cho người mua nhà ở xã hội

Cùng với việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua, thuê nhà, cuối tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 188/CP về phát triển nhà ở xã hội với nhiều nội dung đáng chú ý theo hướng có lợi cho người thu nhập thấp đã và đang sở hữu nhà ở xã hội.

Theo đó, thay vì được bán và cho thuê lại sau 10 năm, người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng, kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư. Ngay cả trong thời gian 5 năm, nếu cần chuyển nhượng thì người dân vẫn có thể bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư hoặc đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định mới áp dụng đối với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội như được nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất ưu đãi, được hỗ trợ ưu đãi từ các nguồn như vay vốn của các tổ chức tín dụng…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng yêu cầu giá bán, cho thuê nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí vốn đầu tư, cộng với lợi nhuận không quá 10%. Trường hợp dự án cho thuê thì lợi nhuận không quá 15%.

5. Tranh chấp về diện tích căn hộ

Từ nhiều năm nay, chuyện tranh chấp, khiếu kiện trong lĩnh vực bất động sản vốn là chuyện "thường ngày ở huyện". Tuy nhiên, hầu hết các tranh chấp đều xảy ra với chung một lý do về giá bán, tiến độ, chất lượng… hoàn toàn chưa có một dạng tranh chấp nào liên quan đến diện tích căn hộ như vài tháng qua.

Đây có lẽ là một dạng tranh chấp có điều kiện phát sinh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Một số dự án tên tuổi như Keangnam, Dương Nội, Đại Thanh… lần lượt bị khách hàng tố chủ đầu tư “ăn gian cách tính diện tích”.

Tranh chấp này sau đó đã phải nhờ đến sự can thiệp của Bộ Xây dựng với phát quyết “dù tính như thế nào cũng không ảnh hưởng đến giá bán”. Dù bị “trọng tài” xử thua, song với không ít khách hàng, việc cơ quan quản lý phán quyết như vậy đã coi trọng quyền lợi của doanh nghiệp hơn người dân, bởi thực tế diện tích căn nhà họ đang ở không được rộng như trong hợp đồng và số tiền mà họ phải trả cho chủ đầu tư.

6. Giá bất động sản đã về mức 7 năm trước

Theo khảo sát của một số công ty nghiên cứu như Savills, CBRE…, thị trường bất động sản liên tiếp có sự sụt giảm về giao dịch lẫn giá bán trong suốt nhiều năm liền, đặc biệt là từ đầu 2011 đến nay. Trong suốt thời gian đó, trung bình mỗi năm giá bất động sản giảm khoảng 10% so với năm liền trước.

Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội vào tháng 11/2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít dự án đã hoàn thiện, có vị trí tốt tại Hà Nội và Tp.HCM có sự cải thiện về thanh khoản trong những tháng cuối năm 2013, còn lại hầu hết các dự án, đặc biệt là căn hộ chung cư và biệt thự, liền kề vẫn chưa có nhiều sự cải thiện về thanh khoản. Thêm một cái tết kém vui với giới đầu tư bất động sản là điều đã được dự báo trước khi lượng hàng tồn kho bất động sản vẫn trên 100 nghìn tỷ đồng.

7. Đáy hay chưa đáy?

Giá nhà giảm mạnh cùng với một vài dự án có sự cải thiện về thanh khoản đã khiến một số chuyên gia, nhà quản lý và cả giới truyền thông quốc tế nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam đã “chạm đáy”. Lời khuyên “đã đến thời điểm mua nhà” thường được đưa ra cùng với nhận định về thị trường trong thời gian qua.

Thế nhưng, thực tế giao dịch tại hầu hết dự án vẫn èo uột, người mua nhà vẫn tỏ ra thận trọng, ngay cả với một số người đã thu xếp được tài chính và cần một căn hộ để ở. Thực tế đó là minh chứng cho một tâm lý mang tính đám đông rằng, thị trường có thể sẽ còn xuống nữa, giá còn giảm thêm và chờ đợi vẫn là lựa chọn của phần lớn khách hàng trên thị trường lúc này.

Đáy hay chưa đáy có lẽ sẽ khó có được câu trả lời chính xác vì thực tế đó vẫn là câu hỏi mang đầy cảm tính và tuỳ theo quan niệm của từng cá nhân. Trong khi các chủ đầu tư đang “khản cổ” cho rằng, mức giá hiện nay là thấp nhất rồi, hãy mua đi, thì với không ít người dân, giá bất động sản dường như vẫn chưa tương xứng với thu nhập và khả năng chi trả của họ.

8. Khách hàng tự quản dòng tiền

Thị trường đóng băng, hàng loạt dự án bất động sản “đắp chiếu” đã khiến xung đột giữa khách hàng và chủ đầu tư nhiều dự án lên tới đỉnh điểm. Usilk City - một dự án khá đình đám của Sông Đà Thăng Long - cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng, chính vào đỉnh điểm của khiếu kiện, một thoả thuận “vô tiền khoáng hậu” đã được đưa ra giữa chủ đầu tư và nhóm khách hàng.

Theo đó, các khách hàng sẽ tiếp tục đóng tiền cho chủ đầu tư để hoàn thiện nốt dự án CT1 Usilk City, nhưng không nộp trực tiếp cho chủ đầu tư mà thông qua một tài khoản mở tại một ngân hàng thương mại. Trên cở sở giám sát tiến độ trực tiếp, ngân hàng sẽ giải ngân cho các đối tác, nhà thầu của chủ đầu tư dựa trên khối lượng công việc hoàn thành.

Sáng kiến này sau đó cũng đã được khách hàng tại một số dự án khác ở Hà Nội và Tp.HCM áp dụng. Thoạt tiên, có thể cho rằng, đó là một cách làm hay, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Song, về mặt nào đó, sáng kiến bất đắc dĩ này ít nhiều đã phản ánh một thực tế thiếu chuyên nghiệp, chụp giật trong cung cách làm ăn, kinh doanh của không ít doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

9. Từ Liêm thành hai quận

Vào thời điểm cuối năm 2013, dư luận và giới đầu tư tại Hà Nội lại có dịp “bàn tán” về đề án thành lập 2 quận mới trên cơ sở chia tách huyện Từ Liêm. Một sự kiện không hẳn mới đối với giới thạo tin và người dân sống trong khu vực. Nhưng không vì thế mà việc lập hai quận mới lại không có những chuyện “đáng bàn” ngay cả khi đã được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua.

Trước hết là về tên gọi của hai quận mới. Cái tên Nam Từ Liêm – Bắc Từ Liêm dù đã được Hà Nội lựa chọn, song hầu hết dư luận và giới chuyên gia đều không ủng hộ phương án tên gọi “nghe cứ thế nào” này. TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã thẳng thắn rằng, các nhà làm quy hoạch dường như đã “hết chữ” khi chọn cái tên Nam – Bắc Từ Liêm.

Không chỉ dừng lại ở đó, mới đây, sau khi nghiên cứu kỹ đề án, một đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Từ Liêm đã phát hiện ra một số điểm bất thường trong đề án, đặc biệt là các thống kê về dân số, chỉ tiêu hạ tầng. Một nghi án “làm đẹp số liệu” đã được đặt ra, song trả lời trước cử tri, Bí thư Huyện uỷ Từ Liêm đã khá vô tư khi nói rằng “lãnh đạo huyện không có gì phải băn khoăn về số liệu”.

Còn với thị trường bất động sản, việc “Từ Liêm lên quận” dường như không tác động nhiều đến thanh khoản và giá cả trước và sau khi đề án được thành phố thông qua. Bởi đơn giản, với hầu hết dân trong nghề, đó không còn là thông tin mới.

10. Hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai, phê duyệt

Sẽ là thiếu sót nếu dấu ấn bất động sản 2013 không nhắc tới những công trình, dự án về hạ tầng giao thông, xã hội. Bên cạnh hàng loạt công trình đã được đưa vào khai thác trong năm 2012 tại Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh thành khác, trong năm 2013, Chính phủ và các địa phương đã thông qua hàng loạt dự án giao thông có ảnh hưởng quan trọng tới đời sống của người dân tại các đô thị lớn.

Trong khi tại Hà Nội, dự án đường trên cao Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở và Mai Dịch – Nam Thăng Long với giá trị lên tới gần 6.000 tỷ đồng; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính 4.000 tỷ đồng được chính thức phê duyệt... thì tại Tp.HCM, tuyến đường sắt nối Tp.HCM – Cần Thơ cũng chính thức được thông qua với giá trị lên tới 3,6 tỷ USD. Tuyến đường sắt nối Tp.HCM - sân bay Long Thành, tuyến Metro số 5 trị giá gần 900 triệu Euro cũng được thành phố thông qua chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, địa phương này cũng chính thức triển khai 4 tuyến đường có vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng thuộc khu đô thị Thủ Thiêm. Một tuyến cao tốc chạy qua 3 địa phương là Tp.HCM, Long An và Đồng Nai cũng được khởi công với tổng kinh phí lên tới 1,6 tỷ USD. 

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

TPHCM: Khởi công đoạn đường ngầm tuyến metro số 1 trong 2014

Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, gói thầu cuối cùng của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được khởi công vào năm 2014 để kịp hoàn thành vào năm 2017.



Nhà thầu đang tiến hành thi công phần cọc nhồi cho đoạn đi trên cao dọc xa lộ Hà Nội - Ảnh: Anh Quân

Trao đổi với TBKTSG chiều 23-12, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, trong tổng số 3 gói thầu thì hiện nay chỉ còn duy nhất gói thầu số 1 (đoạn đi ngầm dài 2,6 km từ ga Bến Thành đến Ba Son) là chưa được khởi công. Đoạn đi ngầm này đang được đấu thầu và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2014.

Còn gói số 2 đi trên cao dài hơn 17 km (chạy dọc xa lộ Hà Nội) đang được thi công đồng loạt. Hôm 21-12, nhà thầu đã khởi công cầu vượt sông Sài Gòn dành riêng cho đoàn tàu.

Từng công đoạn của gói thầu đi trên cao sẽ được hoàn thành trong từng năm. Cụ thể, năm 2013, hoàn thành công đoạn đóng cọc nhồi dọc xa lộ Hà Nội. Năm 2014 sẽ lắp dựng các dầm cầu cạn và năm 2015 hoàn thành cơ bản việc xây dựng cầu cạn dọc xa lộ Hà Nội.

Gói số 3 mua thiết bị đầu máy toa xe đã thực hiện việc ký kết hợp đồng cung cấp với nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) vào đầu tháng 6 -2013.

Dự kiến, phần thô của tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm 2016. Đến năm 2017 sẽ thực hiện việc tích hợp hệ thống, nghiệm thu và bàn giao công trình. Năm 2018 sẽ chính thức đưa vào vận hành.

Liên quan đến việc thoả thuận xin giảm tiền phạt do chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, ông Huỳnh cho biết, vấn đề này vẫn đang được thương lượng với nhà thầu nên chưa có kết quả. Việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu sẽ được thực hiện dứt điểm vào cuối tháng 12 này để giảm số tiền phạt do chậm bàn giao mặt bằng.

Theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, thành phố phải bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công vào cuối năm 2012. Tuy nhiên do vướng giải phóng mặt bằng nên Ban quản lý đường sắt đô thị đã nhiều lần gia hạn thời gian giao mặt bằng cho liên danh nhà thầu Sumitomo – Cienco 6. Lần gia hạn cuối cùng vào ngày 30-9-2013.

Tuy nhiên đến nay mặt bằng vẫn chưa được bàn giao cho nhà thầu. Trước đó, trong một thông báo ngày 25-10-2013 của UBND TPHCM kết luận việc chậm bàn giao mặt bằng đồng nghĩa với việc thành phố phải chịu phạt khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày, vừa gây tổn thất cho ngân sách nhà nước, vừa làm mất uy tín của thành phố với nhà tài trợ và nhà thầu nước ngoài.


Tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2017 và đưa vào vận hành khai thác năm 2018.

Dự án có tổng mức đầu tư 1,09 tỉ đô la Mỹ bằng vốn vay ODA và vốn ngân sách. Tuy nhiên, do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, cộng với sự biến động về giá đô la Mỹ nên tổng mức đầu tư của dự án hiện nay đã tăng lên 2,07 tỉ đô la.

Sau khi đưa vào sử dụng, với tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/giờ trong đường hầm và 110km/giờ trên cầu, thời gian đi từ Suối Tiên vào trung tâm thành phố mất khoảng 29 phút.

 Theo TBKTSG

Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Địa điểm bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2014

Thời điểm bắn pháo hoa tầm cao sẽ diễn ra từ lúc 0h đến 0h15 ngày 1.1.2014 tại 2 điểm là khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (Q.2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Q.11).




UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL xem xét, cho phép TP được điều chỉnh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao, thay vì tầm thấp, vào đêm giao thừa Tết Dương lịch 2014.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo cho phép TP.HCM tổ chức 2 điểm bắn pháo tầm thấp, thời lượng 15 phút vào đêm giao thừa Tết Dương lịch 2014, tại 2 địa điểm trên.

Theo UBND TP.HCM, sở dĩ thành phố đề nghị bắn pháo hoa tầm cao cho Tết năm nay là vì sự cố cháy nổ vừa qua tại Công ty TNHH MTV Hóa chất 21 thuộc Bộ Quốc phòng. Hiện nay, đơn vị này thông báo chỉ có nguồn pháo hoa tầm cao để sử dụng phục vụ bắn pháo hoa vào dịp Tết Dương lịch 2014.

UBND thành phố đã giao Bộ Tư lệnh thành phố thực hiện đặt mua 2.250 quả đạn pháo hoa tầm cao của Công ty Hóa chất 21 để phục vụ chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật phục vụ Tết Dương lịch này.


Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

>> TP HCM Lần đầu bắn pháo hoa tầm cao mừng Tết Dương lịch 2014

TP HCM Lần đầu bắn pháo hoa tầm cao mừng Tết Dương lịch 2014

Tết Dương lịch năm nay, người dân TP HCM sẽ được chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm cao đặc sắc. Đây là năm đầu tiên Thành phố bắn pháo hoa tầm cao trong dịp Tết Dương lịch.

UBND TPHCM vừa có chỉ đạo việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng Tết Dương lịch 2014. Theo đó, TP sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn thuộc phường Thủ Thiêm, quận 2 từ 0h đến 0h15 ngày 1/1/2014. Đây là điểm mới, bởi trước đây, pháo hoa tầm cao chỉ được bắn trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch chỉ bắn pháo hoa tầm thấp.

Người dân thành phố náo nức đi xem bắn pháo hoa dịp Tết Dương lịch 2013


Bên cạnh việc bắn pháo hoa tầm cao, UBND TP cũng đã xin và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép bắn pháo hoa tầm thấp tại 2 điểm là đường hầm sông Sài Gòn và công viên văn hóa Đầm Sen trong dịp Tết Dương lịch 2014. Tuy nhiên, vì sự cố nên hiện đơn vị cung cấp pháp hoa của Bộ Quốc phòng chỉ cung cấp pháo hoa tầm cao trong dịp Tết Dương lịch. Do đó, UBND TPHCM phải xin ý kiến cho chuyển 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp dịp Tết Dương lịch 2014 sang bắn pháo hoa tầm cao để phục vụ bà con thành phố.

Đến nay, phương án bắn pháo hoa chào mừng Tết Dương lịch 2014 được chốt lại là bắn tầm cao ở 1 điểm duy nhất là tại đường hầm sông Sài Gòn. Với vị trí bắn thoáng đãng này, người dân thành phố có thể chọn được nhiều vị trí tốt để thưởng thức như vỉa hè đường Võ Văn Kiệt, các cầu băng kênh Bến Nghé, bến Bạch Đằng, cầu Thủ Thiêm…

Ngoài ra, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đường phố trong dịp Tết Dương lịch, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã thông báo tạm ngưng thi công các công trình đào đường trong dịp này. Cụ thể, sở GTVT yêu cầu tạm ngưng thi công tất cả các công trình đào đường để lắp đặt công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố trong thời gian từ ngày 31/12/2013 đến hết ngày 1/1/2014.

Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư tất cả các công trình đào đường có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, khẩn trương tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đã thi công xong trước ngày 31/12/2013. Các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại hàng rào công trường nhưng phải thu gọn hàng rào công trường, làm vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ khu vực công trường thi công.

Tùng Nguyên
Dân Trí



Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Vốn ngoại nhòm bất động sản

Tại Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã chi mạnh tay hơn 2,1 tỷ USD xây dựng dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương. Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Alma của Israel đã công bố đầu tư 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng (Cam Ranh)….

Đứng thứ 3 trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến tháng 11/2013, bất động sản (BĐS) dường như đang tạo sức hút trở lại đối với nhà đầu tư ngoại. Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có 20 dự án BĐS được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vốn (tăng 10 dự án so với cùng kỳ năm 2012), với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 884 triệu USD.




Các dự án chung cư vẫn là bài toán khó giải đối với nhà đầu tư

Ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường BĐS Việt Nam cả năm 2013 chưa có bước đột phá đáng kể, nhưng đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ, nhất là ở phân khúc nhà ở trung, cao cấp, khu thương mại phức hợp và du lịch nghỉ dưỡng... Cơ sở cho quan điểm này xuất phát từ hàng loạt vụ đầu tư triệu đô vào các dự án BĐS tại TP. Hồ Chí Minh.

Trong quý II/2013, có một thương vụ chuyển nhượng dự án khá đình đám là vụ chuyển nhượng cao ốc văn phòng Centrepoint tại quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh từ một quỹ đầu tư của Nhật Bản cho Mapletree giá 52 triệu USD (Mapletree là Công ty Quản lý vốn BĐS của Singapore, tập trung đầu tư tại thị trường châu Á). Tòa cao ốc này đã được chuyển nhượng hai lần kể từ khi hoàn thành vào năm 2009.

Không riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh khác ở khu vực phía Nam cũng là điểm đến của nhà đầu tư FDI trong lĩnh vực BĐS. Tại Bình Dương, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã chi mạnh tay hơn 2,1 tỷ USD xây dựng dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương. Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Alma của Israel đã công bố đầu tư 300 triệu USD xây dựng khu nghỉ dưỡng Bãi Rồng (Cam Ranh)…

Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Công ty Nghiên cứu thị trường Knight Frank Việt Nam nhận định, diễn biến những vụ chuyển nhượng dự án hay rót vốn đầu tư vào các dự án BĐS lớn tại Việt Nam trong năm 2013 cho thấy triển vọng lạc quan của thị trường. Điều này đã không được nhìn thấy kể từ khi Việt Nam được xếp hạng thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất, năm 2008.

Diễn biến tích cực này cho thấy, thị trường BĐS từ năm 2014 vẫn sẽ là điểm sáng thu hút nhà đầu tư. Bởi Việt Nam vẫn giữ những ưu thế nhất định so với các nước trong khu vực. Đó là: Giá bán BĐS trong hai năm gần đây đang trở về đúng với giá thực ở mọi phân khúc; Nhu cầu nhà ở của người dân ở khu vực thành thị, nhất là các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… còn rất cao; Lượng người nước ngoài, Việt kiều sống và làm việc tại Việt Nam cũng tăng theo từng năm, đi đôi với nhu cầu mua nhà, thuê, thuê mua nhà ở tăng theo; Nền kinh tế đất nước phát triển ổn định với dân số trẻ…

Hỗ trợ những yếu tố tích cực đối với thị trường nêu trên, từ đầu năm 2013, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung, lĩnh vực BĐS nói riêng bằng nhiều chính sách và gói hỗ trợ. Đây chính là những yếu tố được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ đầu tư BĐS.

Hầu hết các cuộc khảo sát thực tế của doanh nghiệp nghiên cứu thị trường BĐS như Savills Việt Nam, CB Richard Ellis Việt Nam, Knight Frank Việt Nam đều cho thấy, ở mọi phân khúc từ căn hộ bán, biệt thự, nhà phố, đất nền, căn hộ dịch vụ, bán lẻ… đều có sự tăng trưởng nguồn cung nhất định; các giao dịch mua bán từng quý trong năm đều có mức tăng từ 3% - 5%.

Điểm lạc quan nhất của thị trường BĐS là sự tái khởi động xây dựng và hoàn thiện hàng loạt dự án căn hộ, trung tâm thương mại, nhà ở dịch vụ sau thời gian bị đóng băng. Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường đã hồi phục. Điều này cũng đang tác động lớn đến khả năng lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong những năm tiếp theo.

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Phong thủy của tủ quần áo


Quần áo để vào trong, đóng cửa tủ, xong, và thế là bề ngoài chúng vẫn gọn gàng dù bên trong có bừa bộn đến đâu. Điều này không nên. Đặc biệt với những yếu tố về phong thủy, khi ta biết rằng tất cả mọi vật đều mang những năng lượng nhất định.



Hầu hết mọi người cho rằng tủ quần áo chỉ là một nơi để cất giữ quần áo. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó cũng có những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của họ về mặt phong thủy.

Đồ vật được chăm sóc như thế nào, sẽ mang năng lượng tương ứng, tác động trở lại vào cuộc sống của bạn. Hãy hình dung một chiếc tủ quần áo lộn xộn. Bạn mở tủ, chọn cho mình một vài món đồ. Vậy là, những thứ bê bối, không đâu vào đâu cũng sẽ ảnh hưởng đến những việc làm tiếp theo của bạn.

Tủ quần áo là nơi bạn cất những vật thường ngày và gắn bó với bản thân mình. Thông thường chúng đều có cánh cửa. Bạn mở tủ, nhìn vào trong, không có phiền muộn hay lo lắng, không có ai nhìn bạn từ bên trong, chỉ có chính bạn mà thôi. Do đó, tủ được xem như nơi phản chiếu cuộc sống thường ngày của bạn, một cách kín đáo nhất, sâu sắc nhất.

Nếu bạn đã quan tâm đến chiếc tủ, dưới đây là một số lời khuyên phong thủy cần biết:

Màu sắc và ánh sáng: Nếu bạn có một khu rộng lớn để đựng quần áo (một phòng riêng), hay dù chỉ là một chiếc tủ nho nhỏ, hãy chắc rằng mỗi khi bạn mở tủ luôn có luồng ánh sáng ấm áp tỏa ra bởi nguồn ánh sáng tốt rất quan trọng.

Sạch sẽ: Lần cuối bạn dọn dẹp tủ quần áo cách đây bao lâu? Bạn có bao giờ mở tủ ra, nhìn vào một món đồ và tự hỏi “Chà, mình mặc cái áo này từ bao giờ nhỉ?… À, phải rồi, từ đám cưới của chị X!” Nếu đám cưới của một chị X nào đó cách đây 15 năm, thì cái áo này hiện đang làm nhiệm vụ gì trong tủ đồ của bạn? Hãy giành thời gian để sắp xếp những đồ cũ, đem cho từ thiện hoặc cất kho, sau đó dọn sạch tủ đồ để luôn có cảm giác ngăn nắp. Hãy nhớ chỉ giữ lại những đồ thực sự cần thiết cho cuộc sống hiện tại và những đồ bạn thực sự muốn giữ lại thôi.

Sắp xếp: Những quần áo mặc theo mùa, những loại quần áo khác nhau xếp vào những chỗ riêng để dễ dàng tìm kiếm. Bạn có thể dán vào cánh cửa tủ những bức hình nho nhỏ mà bạn yêu thích, đem lại nhiều kỷ niệm đẹp để chúng luôn tiếp thêm năng lượng cho bạn.

Hãy để ý và chăm sóc cẩn thận đồ đạc xung quanh mình. Bởi sự tôn trọng với đồ đạc trong gia đình cũng nói lên sự tôn trọng đối với chính bản thân bạn.

Theo Dịch Linh - Một thế giới


Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Tồn kho… nhà tái định cư!

Tồn kho nhà thương mại là một gánh nặng cho nền kinh tế, nhưng tại TPHCM lại có thêm nhà tái định cư (TĐC) cũng... tồn kho! Đây là một bất ngờ, bởi trước đó thành phố ưu tiên xây dựng để bố trí chỗ ở cho người dân vì phải di dời khi thực hiện hàng loạt công trình hạ tầng, nhưng giờ đây nhiều khu TĐC vắng bóng người.

Chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8 bỏ trống vì không bố trí TĐC. 

Gánh nặng

Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2 từng trở thành điểm nóng TĐC vì phải di dời trắng 5 phường để dựng khu đô thị hiện đại bậc nhất cả nước. Hàng loạt dự án nhà ở TĐC đã được thực hiện. Từ đầu năm 2013, thông tin từ Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dù quận 2 mới tiếp nhận 2.878 căn hộ chung cư và 1.512 nền đất, trong tổng số 12.500 căn nhà TĐC phục vụ dự án, nhưng nhu cầu sử dụng số nhà TĐC chỉ khoảng 1.700 - 1.800 căn.

Chúng ta có thể thấy, khắp thành phố có hàng loạt nhà TĐC đang bỏ trống. Dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, quận 9 là tòa nhà 5 tầng với hơn 100 căn hộ. Theo kế hoạch, chung cư này được xây dựng để bố trí TĐC cho cư dân bị giải tỏa trong dự án Bắc Rạch Chiếc. Tuy nhiên, dù khánh thành cách đây gần 5 năm nhưng hiện chỉ có vài hộ đến sinh sống.

Theo người dân, do đường dẫn vào chung cư chưa hoàn thiện, phần khác khi về ở đây, người dân không thuận tiện việc kiếm sống. Tương tự, chung cư Tân Hưng (thuộc Khu dân cư Him Lam - Kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7) có 72 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 2006, nhưng đến đầu năm 2011 mới có vài hộ dọn về. Tại lô chung cư TĐC Phú Mỹ (quận 7) có 300 căn hộ TĐC nhưng chỉ mới có 50 hộ dân vào ở...

Chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8 có vị trí đắc địa, nằm ngay mặt tiền sông Tàu Hủ - Bến Nghé, khang trang với 350 căn hộ, đã hoàn thành hơn 3 năm trước. Mục đích xây dựng nhằm bố trí TĐC cho dự án cải tạo chỉnh trang đô thị Rạch Ụ Cây và cầu Bình Tiên, quận 8. Sau đó dự án bị dừng lại vì thiếu vốn, đồng nghĩa với 350 căn hộ bỏ trống ngần ấy năm!

Chưa hết, vì không đưa vào sử dụng, chủ đầu tư là Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn đã phải gồng lưng trả tiền tỷ để bảo dưỡng, vận hành chung cư! Điều này cũng xảy ra tương tự tại chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh khi tồn hơn 1.132 căn hộ. Vì chung cư này ở quá xa, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, không thuận tiện trong việc học hành, nên rất ít người ở. Trong khi đó, chủ đầu tư phải trả phí quản lý, bảo dưỡng chung cư lên đến nhiều tỷ đồng.

Không chỉ các công ty tham gia xây dựng nhà TĐC gánh nợ mà ngay cả chính quyền cũng nợ. Quận 12 đã chi 60 tỷ đồng để mua nhà TĐC, nhưng sau đó người dân không ở, bán sang tay cho người khác, quận vẫn phải ôm luôn cục nợ này!

1 năm bán 100 căn hộ?

Luật pháp đã đổi mới, vì đền bù cho người dân theo giá thị trường nên họ sẽ tự chọn nơi ở mới chứ không phải “chỉ định” chỗ ở như trước đây. Những động thái vừa qua cho thấy thành phố đã nỗ lực tháo gánh nặng tồn kho này.

Tháng 8 năm nay thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lên kế hoạch tổ chức bán đấu giá 1.054 nền đất tại khu TĐC 30ha ở Nam Rạch Chiếc, phường An Phú và khu TĐC 50ha, phường Cát Lái, quận 2. Số nền đất này dư ra sau khi cân đối nhu cầu TĐC của người dân. Một lối ra khác là chuyển sang nhà ở xã hội.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, từng bày tỏ, chủ trương này còn mang đậm nét nhân văn khi những người di dời không đủ tiền mua nhà, lâu nay tạm cư sẽ có chỗ ở đàng hoàng. Từ đây Sở Xây dựng đề nghị UBND TP chuyển 1.769 căn hộ tại 5 dự án sang làm nhà ở xã hội tại quận 7, Bình Tân, huyện Bình Chánh…

Tuy nhiên cho đến nay, các giải pháp trên thực thi rất chậm. Nhà ở xã hội được bán cho đến thời điểm này cũng chỉ dừng lại 100 căn tại chung cư 157/R8 đường Tô Hiến Thành, quận 10. Còn đợt xét duyệt tiếp theo, đặc biệt có nhiều căn hộ thuộc các dự án TĐC, nhưng ông Bùi Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng), cho biết: “Sở đã trình rồi, đang chờ UBND TP chỉ đạo”. Ngoài ra, việc tổ chức đấu giá nền đất hay cho doanh nghiệp tư nhân được bán nhà ở TĐC mà thành phố có chủ trương mua trước đây, sau một hồi rộn ràng thì nay im hơi lặng tiếng!

Rõ ràng, số lượng nhà ở TĐC đang “chôn” hàng ngàn tỷ đồng ngân sách. Nếu giải quyết sớm, trước mắt thành phố thu lại được ngân sách đang bị ứ đọng, về mặt xã hội sẽ mở thêm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là tăng nguồn cung cho gói 30.000 tỷ đồng, giúp người thu nhập thấp có cơ hội an cư.


Theo SGGP







Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Vốn sẽ đổ bộ vào bất động sản

Kiều hối, tín dụng, gói 30.000 tỷ đồng dần nới rộng hơn… Dòng tiền từ nhiều kênh đang chực chờ những cơ hội mở ra trên thị trường bất động sản.

Theo thông lệ, cuối năm là thời điểm nhiều người quyết định mua bất động sản để an cư hoặc tích lũy. Xu hướng này của năm 2013 dù chưa thực sự rõ ràng, nhưng đã bắt đầu có tín hiệu từ kết quả bán hàng của những dự án gần đây. Giới kinh doanh địa ốc kỳ vọng, những nguồn vốn tín dụng, kiều hối… sẽ chọn bất động sản làm kênh đầu tư ưu tiên.

Cuối tuần qua, Công ty Bất động sản Him Lam đã mở bán Dự án Him Lam Riverside (quận 7, TP. HCM). Đây là lần đầu tiên trong nhiều đợt bán hàng của dự án có kết quả tốt hơn mong đợi. Ông Ngô Quang Phúc, Giám đốc Kinh doanh tiếp thị Him Lam Land cho biết, kỳ vọng ban đầu của chủ đầu tư trong đợt bán hàng này là 20 căn, tuy nhiên, chỉ trong buổi sáng mở bán đã có 29 căn hộ chính thức được khách hàng đặt mua và sau đó vài ngày, con số này lên đến 35 căn.

“Nhiều khách hàng trước đây quan tâm đến dự án nhưng do dự chưa mua thì lần này họ đã quyết định mua”, ông Phúc nói và cho biết, ngoài yếu tố về chất lượng dự án, một xu hướng rõ nét hơn đối với khách hàng hiện nay là sự thay đổi về tâm lý. Trước đây, tâm lý khách hàng luôn trông đợi giá sẽ tiếp tục giảm nữa nên chần chừ, còn hiện nay họ thấy ưng ý là quyết định xuống tiền.

Ngoài Dự án Him lam Riverside, khảo sát từ các sàn giao dịch bất động sản cho thấy, gần đây xu hướng khách hàng tìm nhà để an cư đang tăng lên. Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cho rằng, xu hướng chung của thị trường cuối năm bao giờ cũng có nhiều khách hàng tìm mua nhà.

“Phân khúc được khách hàng chọn mua nhiều nhất lúc này là nhà phố hoặc căn hộ đã hoàn thành để có thể dọn về ở trước Tết. Tuy nhiên, có một thực tế, hiện số lượng căn hộ có khả năng hoàn thành để bàn giao nhà trước Tết không có nhiều, nên dù nhu cầu cao, nhưng giao dịch vẫn chưa tăng mạnh”, ông Thanh nhận định và cho rằng, không chỉ hiện nay mà vài tháng trở lại đây, khách hàng có nhu cầu về nhà ở đã tìm mua căn hộ khá nhiều, tuy nhiên để mua được một căn hộ ưng ý lúc này không dễ, bởi nguồn cung căn hộ tốt còn ít.



Lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm nay dự kiến đạt 11 tỷ USD

Cùng với thị trường căn hộ ở TP. HCM, ghi nhận của ov cho thấy, gần đây, thị trường lân cận TP. HCM, đặc biệt là Bình Dương đã xuất hiện làn sóng mua bất động sản để đầu tư. Cuối tuần trước, Công ty Tấc Đất Tấc vàng tổ chức hội nghị bán block đối diện Tổ hợp công viên chợ đêm, phố ẩm thực dự án IJC@Vsip tại Thành phố mới Bình Dương với sự tham dự của hơn 500 khách hàng. Đây là dự án khu đô thị do Công ty Becamex IJC và Công ty Vsip làm chủ đầu tư, được thiết kế theo tiêu chuẩn Singapore.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tấc Đất Tấc Vàng cho biết, ngay trong buổi sáng mở bán, đã có hơn 100 sản phẩm được khách hàng đặt mua. “Khảo sát từ khách hàng mua sản phẩm lần này của chúng tôi cho thấy, họ đến từ nhiều nơi, đặc biệt là TP. HCM và phía Bắc. Giá mềm và nhận thấy được tiềm năng phát triển của dự án nói riêng cũng như của Thành phố mới Bình Dương nói chung là lý do để khách hàng quyết định mua sản phẩm để đón đầu thị trường”, ông Tuấn nói.

Theo giới kinh doanh địa ốc, thị trường hiện nay dù vẫn chưa thực sự khởi sắc, nhưng đang dần có những chuyển biến tích cực. Mới đây, tờ New York Times nhận định rằng, bất động sản Việt Nam đã thoát đáy và bắt đầu phục hồi cùng với các tín hiệu kinh tế vĩ mô và cam kết của Chính phủ cải tổ hệ thống ngân hàng.

Tương tự, CTCK Bản Việt (Viet Capital Securities) cũng vừa đưa ra báo cáo phân tích về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, bất động sản hiện có thể là một kênh đầu tư tốt vào thời điểm hiện tại, bởi lãi suất huy động thấp (7 - 8%/ năm), thị trường vàng và ngoại hối tỏ ra kém hấp dẫn do các chính sách của Chính phủ trong việc kiểm soát thị trường tự do.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh địa ốc, thông tin đáng chú ý nhất và khả năng tác động nhiều đến thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm là lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm nay dự kiến lên đến 11 tỷ USD. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, những năm trước, thời điểm cuối năm, thị trường bất động sản luôn hút một lượng vốn nhất định từ dòng vốn kiều hối. Năm nay, dù chưa biết dòng vốn này đổ vào bất động sản được bao nhiêu, song chắc chắn là có.

“Vốn kiều hối và dòng tiền trong dân chọn bất động sản làm kênh tích lũy sẽ giúp thị trường bất động sản từ đây đến cuối năm thu hút một lượng vốn lớn”, ông Tuấn nhận định.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán





Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Bất Động Sản Đồng Nai Con rồng đang tỉnh giấc

Hòa cùng nhịp độ hoàn thiện các công trình trọng điểm, thị trường bất động sản Đồng Nai đang bắt đầu có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ sau những “nốt trầm” với nhiều dự án mới được “trình làng” đón nhận nhiều sự quan tâm của khách hàng.

“Đòn bẩy” hạ tầng

Là cửa ngõ phía đông Tp.HCM, là một trung tâm kinh tế lớn của cả phía Nam, Đồng Nai có vị thế hết sức quan trọng với hệ thống giao thông hiện đại, đang trong giai đoạn hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Đơn cử là dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng khu vực Đồng Nai và đang trải thảm nhựa, theo kế hoạch, sẽ thông xe toàn tuyến vào năm 2014. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ nối liền với Đại lộ Đông Tây và kết nối với đoạn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đồng thời, cũng sẽ rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ.


[IMG]


Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đang thi công

Cùng với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây là dự án tuyến tránh Tp.Biên Hòa cũng là một “lực đẩy” quan trọng của Đồng Nai. Đến nay, đã hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn từ Quốc lộ 51 đến cầu vượt đường ray xe lửa (khu vực nhà thờ Trà Cổ - Trảng Bom). Như vậy, khi chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, tuyến đường này không đơn giản là giúp giải tỏa áp lực lưu thông, còn thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị lân cận.


[IMG]


Tuyến tránh thành phố Biên Hòa - QL1A đang gấp rút hoàn thiện

Bên cạnh đó, tỉnh đang lên kế hoạch xây dựng cầu vượt tại ngã 3 Vũng tàu để đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên Đán năm 2014, nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông như hiện nay. Đặc biệt, góp phần thay đổi diện mạo Đồng Nai, còn phải kể đến là dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án mở rộng Quốc lộ 51 hay dự án Sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị khởi công vào năm 2015 với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD.


[IMG]


Sân bay quốc tế Long Thành - Đồng Nai

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương của TP.HCM và Đồng Nai, UBND TP.HCM cũng đang gấp rút hoàn thiện dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội để kết nối với Đồng Nai.
Những dự án trên không chỉ tạo nên những bước chuyển biến tích cực, tạo điều kiện kết nối, trung chuyển cho toàn khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam mà còn đóng vai trò là chất “xúc tác” thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và có nhiều bước đột phá mới. Đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 623 triệu USD vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2013. Đáng chú ý là nguồn vốn đã giải ngân được 500 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Và hiện nay, Đồng Nai đang tiếp tục hoàn thiện về cơ sở hạ tầng cũng như thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Do đó, có khả năng Đồng Nai sẽ đạt kế hoạch thu hút 1 tỷ USD vốn FDI trong năm nay.

Bên cạnh sự phát triển của hạ tầng, nhà đầu tư cũng quan tâm đến các chủ trương, quyết định của Nhà nước liên quan đến việc chuyển đổi cơ cấu chức năng hành chính trong tỉnh, như quyết định đưa thị trấn Trảng Bom thành thị xã vào năm 2014.Với định hướng đó, nơi đây thực sự là một “vùng đất hứa” để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong đó, phải kể đến bất động sản đất nền bởi đây là phân khúc đang được giới đầu tư đánh giá tiềm năng sinh lợi rất cao.

Những chuyển biến mới

Theo ghi nhận, thị trường bất động sản gần đây đã có nhiều chuyển biến khá tốt với lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng mạnh so với trước đây. Khách hàng đã chấp nhận “xuống tiền” với các dự án chất lượng, chủ đầu tư uy tín.

Nắm bắt cơ hội đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã triển khai mở bán nhiều dự án với mức giá khá tốt cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Chẳng hạn, VinaCapital đang chào bán Khu đô thị Dreamland City, khu dân cư Bình Dương của Công ty bất động sản Hưng Thịnh Phát,…Nổi bật là dự án Khu đô thị sinh thái Green Life City do Công ty Cp Địa ốc Kim Oanh hợp tác đầu tư với Công ty CP Du lịch Giang Điền, được “trình làng” vào ngày 8/7 vừa qua với chương trình khuyến mãi cực sốc “Mua 1 nền tặng ngay 1 nền” đang làm “nóng” thị trường Đồng Nai. Dự án tọa lạc ngay khu đô thị công nghệ cao Giang Điền 1000ha – một vị trí khá thuận lợi về mặt giao thông, kinh tế và chính trị.


[IMG]


Dự án Green Life City với khuyễn mãi sốc: Mua 1 nền tặng ngay 1 nền

Theo đánh giá của giới đầu tư, mức giá đất nền tại Đồng Nai, Bình Dương,…đang ở mức thấp, thanh khoản cũng tốt hơn, trở thành địa điểm hấp dẫn để nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào. Tuy nhiên, cần phải tính toán dài hạn và lựa chọn những dự án có vị trí tốt, pháp lý an toàn, đã hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là chủ đầu tư có uy tín trên thị trường hiện nay.    




Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Chính thức mở bán Khu Đô thị Sinh Thái Green life city

Với tất cả những lợi thế sẵn có từ vị trí, phong cách thiết kế cho đến môi trường cảnh quan, Green Life City sẽ mang lại cho cư dân nơi đây những trải nghiệm về một cuộc sống trọn vẹn với giá trị cộng đồng xã hội và giá trị văn hóa vượt trội, giữa một không gian lãng mạn, bình yên và hạnh phúc.
Tên gọi: Khu đô thị sinh thái Green Life City
Vị trí: Xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
Quy mô dự án: 25,9ha. Gồm 350 nền nhà phố, biệt thự.Diện tích khuôn viên 95m2- 800m2.
Chủ đầu tư: Công ty CP Du lịch Giang Điền
Đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền: Công ty CP Địa ốc Kim Oanh
Tiến độ: Đã hoàn thiện hạ tầng 98%



Phối cảnh tổng thể Dự Án Green Life City

Xem thêm chi tiết dự án: Green Life City
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: 19006064 (24/24)
Có xe đưa quý khách đi xem dự án miễn phí mỗi ngày.



Vn Bất Động Sản | Dat Binh Duong Gia Re | Dat Binh Duong | Mua Ban Nha Dat

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

KHU ĐÔ THỊ SINH THÁI GREEN LIFE CITY | DỰ ÁN GREEN LIFE CITY

TỔNG QUAN DỰ ÁN
Với tất cả những lợi thế sẵn có từ vị trí, phong cách thiết kế cho đến môi trường cảnh quan, Green Life City sẽ mang lại cho cư dân nơi đây những trải nghiệm về một cuộc sống trọn vẹn với giá trị cộng đồng xã hội và giá trị văn hóa vượt trội, giữa một không gian lãng mạn, bình yên và hạnh phúc.

Tên gọi: Khu đô thị sinh thái Green Life City
Vị trí: Xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
Quy mô dự án: 25,9ha. Gồm 350 nền nhà phố, biệt thự.Diện tích khuôn viên 95m2- 800m2.
Chủ đầu tư: Công ty CP Du lịch Giang Điền
Đơn vị hợp tác đầu tư và phân phối độc quyền: Công ty CP Địa ốc Kim Oanh
Tiến độ: Đã hoàn thiện hạ tầng 98%

Phối cảnh tổng thể Dự Án Green Life City

Vị trí chiến lược

Nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị - công nghệ cao Giang Điền - vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của huyện Trảng Bom, Khu đô thị sinh thái Green Life City có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, thông suốt với các vùng kinh tế trọng điểm của Đông Nam Bộ như TP.HCM, Tp.Biên Hòa. Vũng Tàu,… qua các tuyến đường: Quốc lộ 1A, quốc lộ 51, Vành đai 4, vành đai 3. 


Hơn thế, Green Life City có tiềm năng phát triển rất lớn khi nơi đây quy tụ quần thể khu đô thị phát triển mạnh như: Khu biệt thự Vườn Tre, Khu đô thị Tam Phước, khu du lịch Vườn Xoài,…cùng nhiều công trình trọng điểm và quy mô nhất đang hình thành như: Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2014, đường tránh TP.Biên Hòa sẽ thông xe vào cuối năm 2013, Đại lộ Bắc Sơn- Long Thành nối liền Quốc lộ 1A thẳng đến sân bay Quốc tế Long Thành và trung tâm hành chính mới tỉnh Đồng Nai. Triển vọng sau khi các tuyến đường này hoàn thành thì thời gian di chuyển từ Green Life City đến TP.HCM sẽ rút ngắn chỉ còn một nửa so với tuyến đường hiện hữu.

Tiện ích trọn vẹn

Do nằm trong bán kính mở rộng của TP.Biên Hòa, nơi tập trung khu dân cư sầm uất nên việc di chuyển của các cư dân Green Life City tới các khu vực trung tâm rất dễ dàng và tận hưởng tất cả các dịch vụ, tiện ích cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chỉ mất từ 3-5 phút như: Chợ An Bình, chợ Giang Điền, siêu thị Biên Hòa, bệnh viện Thống Nhất, bệnh viện Trảng Bom và thế hệ những đứa con thân yêu của bạn sẽ có cơ hội phát huy năng lực bản thân khi được thừa hưởng nền giáo dục chất lượng từ mầm non đến đại học.


Cùng với lợi thế liền kề khu du lịch sinh thái thác Giang Điền, cư dân tại Green Life City có thể thỏa sức mua sắm, thưởng thức ẩm thực và xem phim tại khu thương mại dịch vụ hiện đại và đẳng cấp quy mô 11,357m2 bên bờ sông Buông thơ mộng. Ngoài ra, cư dân còn có thể sử dụng các dịch vụ đã được xây dựng trong khuôn viên khu du lịch Thác Giang Điền, như hệ thống nhà hàng, coffee shop, tận hưởng những giây phút thư giãn với dịch vụ spa. Luyện tập thể thao với sân tennis và sân golf tiêu chuẩn. Hay chỉ đơn giản là tản bộ trên những con đường lát đá xinh xắn trong một không gian thoáng đãng, trong lành.

Môi trường sống hoàn hảo

Với diện tích mặt nước và diện tích công viên cây xanh chiếm hơn 50% tổng diện tích, khu đô thị sinh thái Green Life City như một mảng màu đa sắc nổi bật giữa vùng trời mây trắng, nước xanh, là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống hiện đại ngày nay, khi được thiết kế dựa trên địa thế tự nhiên với đầy đủ năng lượng từ nước, gió, thác, hồ và màu xanh cây cỏ. Đó là nơi mà cư dân sẽ cảm nhận được một cuộc sống thanh bình giữa một đô thị phồn hoa. Nơi đó, mỗi sớm mai thức dậy, bạn sẽ luôn cảm thấy sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày làm việc đầy phấn khởi. Và luôn mong muốn trở về sau những bồn bề lo toan của cuộc sống.


Bên cạnh đó, mỗi ngôi nhà ở đây đều có thiết kế tinh tế với không gian mở, được bố trí ôm theo từng hồ nước để tận hưởng tối đa nguồn năng lượng ánh sáng tự nhiên. Đặc biệt, nền đáy từng hồ nước của Green Life City được cấu thành từ kaolinit (cao lanh) cùng với thủy sinh vật đã tạo nên màu sắc đặc trưng của thiên nhiên từ xanh ngọc đến xanh thiên thanh mà không nơi nào có được. Ngoài ra, công tác an ninh được áp dụng ở mức độ cao sẽ bảo vệ và nâng niu từng phút giây hạnh phúc cho gia đình bạn.


Và nằm liền kề khu công nghệ cao Giang Điền – một khu công nghệ sạch, có sự chọn lọc kỹ càng cùng với công nghệ hiện đại và được bao phủ bởi một vành đai cây xanh nên không khí ở đây luôn trong lành, thoáng đãng.


Với tất cả những lợi thế ưu việt đó, Green Life City sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng sống cao, bền vững. Và mỗi khoảnh khắc của thời gian nơi đây đều là những trải nghiệm về một cuộc sống trọn vẹn với giá trị cộng đồng xã hội và giá trị văn hóa vượt trội, giữa không gian lãng mạn, bình yên và hạnh phúc.


Tiềm năng và cơ hội

Không chỉ dừng lại “nơi tận hưởng cuộc sống”, khu đô thị sinh thái Green Life City còn có tiềm năng phát triển rất lớn khi tọa lạc tại một vị trí thuận lợi về mặt giao thông, kinh tế và chính trị. 

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu đô thị mới Tam Phước. Với hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, đây sẽ là lực đẩy mới góp phần gia tăng giá trị đất tại Tam Phước nói chung và Green Life City nói riêng.
Theo chủ trương của tỉnh, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ được di dời về khu công nghệ cao Giang Điền - một trong những khu công nghệ cao nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - miền Đông Nam Bộ. Điều đó hứa hẹn rằng, Green Life City sẽ là lựa chọn lưu trú lý tưởng của đội ngũ chuyên viên, doanh nhân nước ngoài đến làm việc tại đây, cũng như các kỹ sư cao cấp đến làm việc tại sân bay Quốc tế Long Thành.

Ngoài ra, theo phê duyệt quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, Đồng Nai được xác định là vùng đô thị, công nghệ kỹ thuật cao, trung tâm dịch vụ, đào tạo - y tế, là vùng cảnh quan sinh thái, cực phát triển đối trọng phía Đông TP.HCM. Cùng với định hướng thị trấn Trảng Bom trở thành thị xã vào năm 2014 sẽ mở ra nhiều cơ nhiều cơ hội đầu tư và phát triển tại đây.

Hotline: 1900 6064